Là một phụ nữ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những bài viết than khổ hoặc kể khổ giùm cho cánh chị em khổ sở nấu ăn dịp Tết. Nói qua thế này, cả chục năm nay, gia đình tôi ăn uống ngày Tết nhẹ nhàng, đủ chất và không phụ nữ trong nhà nào phải quần quật bếp núc.
Về cảnh khổ nấu ăn, tôi nghĩ cánh chị em đang tự làm khổ chính mình. Có thể các bạn không tin, nhưng tôi biết vài chị làm vợ, làm dâu muốn được khen khéo tay, nấu ăn ngon nên lao vào bếp làm những món cầu kỳ, phức tạp. Rồi họ đăng những ảnh món ăn họ làm lên mạng xã hội và than khổ để mọi người vào khen, đông viên.
Ngay cả họ hàng, bạn bè, người quen của tôi cũng thảnh thơi chuyện nấu ăn như thế. Đó chính là vì những món ăn truyền thống ngày Tết đều được chuẩn bị sẵn và có thiên hướng trữ được nhiều ngày.
Nồi thịt kho hột vịt có thể ăn cả tuần lễ, càng lâu càng ngon. Nồi khổ qua dồn thịt có thể để từ mùng một đến mùng ba. Cải chua, kim chi, củ kiệu, tai heo ngâm có thể để nửa tháng. Bánh chưng, bánh tét cả tuần lễ vẫn ăn ngon. Gà thì chợ đã làm thịt sẵn, muốn ăn chỉ cần nấu nồi cháo hoặc luộc lên, việc này ai làm cũng được. Giò, chả lụa, thịt đông cũng như thế.
Chưa kể những món như lạp xưởng, tôm khô củ kiệu vừa ăn cơm, vừa để nhắm bia rượu cho các ông chồng. Nếu cần thêm tí thịt thì có thể làm bò né, bò xào khổ qua. Thịt bò thái sẵn, chỉ cần xào sơ qua là chín rồi.
Thời buổi bây giờ, khách đến chúc Tết thì ăn mứt, trái cây, uống nước trà hoặc nước ngọt, nói vài câu rồi đi tới nhà khác ngay. Bạn thân lắm mới có chút bia rượu và cả mấy ngày Tết ai cũng dư đạm nên hiếm ai đòi ăn thêm thịt thà.
Nga
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.