Hóa ra, tỉnh Hòa Bình đang đề xuất chi tiền ngân sách để tuyển giáo sư, phó giáo sư về dạy trường trung học chuyên ở tỉnh. Những người có học hàm này, nếu cam kết công tác từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ một tỷ đồng. Chính sách nhằm thu hút nhân lực trình độ chuyên môn cao về trường chuyên, để bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực; tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh.
Đây là một trong những mục tiêu của Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhờ đề án này, tỷ lệ giáo viên trường chuyên có trình độ tiến sĩ chiếm 1,57%, tăng 1% so với năm 2010; trình độ thạc sĩ chiếm 53,6%, tăng 24,4%. Đề án dự định tiếp tục được xây dựng và phát triển cho giai đoạn 2022-2032.
Ở bang New South Wales - nơi tôi làm việc, không có trường chuyên như Việt Nam, nhưng có một số trường tuyển (selective schools), dành cho học sinh xuất sắc hay có tài năng đặc biệt.
Tất cả giáo viên tiểu học và trung học ở Australia đều có bằng cử nhân, một số có bằng cao học (Masters). Cũng có những giáo viên có bằng tiến sĩ về giáo dục làm việc trong vài trường trung học, nhưng con số này rất hiếm. Tôi không thấy họ tuyển dụng giáo sư, phó giáo sư đi dạy ở bậc phổ thông.
Nhưng tại sao lại phải mướn giáo sư, tiến sĩ đi dạy trung học, dù là trung học chuyên?
Mục tiêu của các chương trình đào tạo tiến sĩ là để xây dựng một cộng đồng nghiên cứu khoa học. Môi trường hoạt động của các tiến sĩ (và giáo sư) là trong các đại học và labo nghiên cứu. Văn bằng tiến sĩ có thể xem như giấy thông hành hay một chứng chỉ hành nghề nghiên cứu khoa học.
Đa số tiến sĩ không có kỹ năng dạy học. Thường, họ có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp (ví dụ như sinh học ung thư), nhưng không được đào tạo sư phạm để giảng dạy. Đó là lý do tại sao nhiều người tuy mang chức danh giáo sư, nhưng giảng dạy không tốt như những thầy giáo trung học.
Dạy học, đặc biệt là dạy trung học, tôi thấy khó hơn là dạy cho sinh viên. Ở cấp đại học, sinh viên chủ yếu tự học, giáo sư có trợ giảng, nên họ chủ yếu là "diễn thuyết" chứ không "dạy". Còn cấp trung học, thầy giáo phải vất vả hướng dẫn, cầm tay chỉ đáp án cho những câu hỏi, những bài toán cụ thể, bằng các phương pháp sư phạm được đào tạo cẩn thận và bằng kinh nghiệm được tích lũy dần qua quá trình làm việc với nhiều lớp học trò.
Dạy những môn học cơ bản ở trung học cũng khác với dạy chuyên ngành hẹp ở đại học. Tôi hay ví von rằng dạy trung học (và tiểu học) như là đi từ 0 (từ cái không biết gì) đến 1 (biết). Đó là một quá trình khám phá, và khám phá khó hơn là cải tiến, phát triển những gì đã khám phá. Còn dạy đại học giống như đi từ 1 đến 10, tức là xây dựng trên nền tảng ở cấp trung học.
Một giáo viên giỏi là người có phương pháp dạy tốt và tạo cảm hứng cho học sinh. Giáo viên giỏi không nhất thiết phải là người có bằng cấp cao hay học hàm giáo sư.
Có người lý giải rằng giáo sư và phó giáo sư có thể hướng dẫn các học sinh trường chuyên làm nghiên cứu khoa học, nhưng tôi e rằng biện minh này không thuyết phục. Ở cấp trung học, học sinh không thể nào có điều kiện cơ sở vật chất để làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh. Ngay cả một số nghiên cứu của các học sinh trung học Trung Quốc từng được quảng bá, sau này người ta phát hiện là đều do các thầy cô làm. Học sinh cấp trung học chưa đủ tư duy để hiểu triết lý phản nghiệm trong khoa học thì làm sao hiểu được ý nghĩa của nghiên cứu khoa học.
Một điều quan trọng cần ghi nhận là ở cấp trung học, người thầy không chỉ đóng vai trò hướng dẫn và truyền đạt kiến thức căn bản, mà còn dạy về nhân cách cho học sinh. Nhưng ở cấp đại học, giáo sư chủ yếu truyền bá kiến thức chuyên ngành. Nhìn nhận như thế, chúng ta dễ dàng thấy, đòi hỏi đối với một người giảng dạy bậc trung học không chỉ là kiến thức.
Chủ trương này, theo tôi, cần phải xem lại cả về hiệu quả lẫn tính khả thi. Thay vì đi tìm tiến sĩ dạy trung học, các nhà chức trách nên xem xét nâng cao phương pháp sư phạm cho các giáo viên. Hiện nay, sinh viên sư phạm được tuyển thẳng từ những học sinh tốt nghiệp trung học, và điểm thi đầu vào cũng không cao so với các ngành khác (như y, dược, bách khoa). Ngay cả sau khi tốt nghiệp, lương bổng của giáo viên cũng khá khiêm tốn. Do đó, ngành sư phạm khó thu hút những cá nhân xuất sắc. Đây là vấn đề lớn, nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tìm giải pháp thay đổi, nhằm cải thiện hiệu quả giáo dục trên diện rộng; thay vì chạy theo những việc theo tôi là thứ yếu như là "luyện gà nòi" trường chuyên để thi thố ở các đấu trường quốc gia, quốc tế.
Nếu một tỉnh có vài em chiếm giải nào đó, trong khi hàng chục nghìn em khác không được dạy tốt, thì thành tích đó cũng không có ý nghĩa gì cho cộng đồng.
Nguyễn Văn Tuấn