Trên Instagram và TikTok, các tài khoản của phong trào "Chim không có thật" thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Những video trên YouTube về phong trào cũng được lan truyền mạnh mẽ. Tháng trước, đám đông ủng hộ thuyết âm mưu Chim không có thật thậm chí biểu tình bên ngoài trụ sở của Twitter ở San Francisco để yêu cầu công ty thay đổi biểu tượng hình con chim.
Thuyết âm mưu do Gen Z (thế hệ những người sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) thúc đẩy này cho rằng loài chim không tồn tại, mà thực ra chúng là thiết bị không người lái của chính phủ Mỹ nhằm giám sát người dân. Hàng trăm nghìn thanh thiếu niên đã tham gia phong trào, mặc áo in chữ "Chim không có thật", tổ chức tuần hành và lan truyền khẩu hiệu này.
Tuy nhiên, Peter McIndoe, thanh niên 23 tuổi bỏ học đại học ở thành phố Memphis và sáng lập ra phong trào hồi năm 2017, cũng như những người ủng hộ, đều ý thức được rằng đây là trò đùa. Họ biết loài chim thực sự có thật và thuyết âm mưu là bịa đặt. Mục đích của họ là sử dụng biện pháp giễu nhại để chống lại các thuyết âm mưu trên mạng đang chi phối thế giới.
"Đây là một biện pháp đấu tranh với những rắc rối trong một thế giới mà bạn thực sự không có cách nào khác để chiến đấu. Phong trào đang chống lại những suy nghĩ điên rồ bằng chính sự điên rồ", Claire Chronis, nhà tổ chức 22 tuổi của phong trào Chim không có thật ở thành phố Pittsburgh, cho biết.
"Để đối phó với những thông tin sai lệch trong vài năm qua, chúng tôi thực sự nhận thức rõ về con đường mình theo đuổi. Chúng tôi cố tình vẽ ra những điều nghe thật nực cười, đảm bảo rằng người ngoài nhìn vào sẽ hiểu đó là giả", McIndoe, người sáng lập phong trào, cho hay.
Hầu hết thành viên của phong trào Chim không có thật trưởng thành trong môi trường tràn ngập thông tin sai lệch. Một số người có người thân là nạn nhân của các thuyết âm mưu. Vì vậy, đối với các thành viên thuộc Gen Z, phong trào trở thành nơi để cùng nhau đương đầu với những trải nghiệm đó. Bằng cách đóng giả người theo thuyết âm mưu, họ đã tìm thấy những người đồng điệu.
Bản thân McIndoe cũng từng bị bủa vây trong các thuyết âm mưu. Suốt 18 năm đầu đời, anh lớn lên trong một cộng đồng tôn giáo và bảo thủ sâu sắc cùng 7 anh chị em ở ngoại ô Cincinnati, khi đó còn thuộc vùng nông thôn của bang Arkansas. Thay vì đến trường, McIndoe học tại nhà và được dạy rằng "sự phát triển là kế hoạch tẩy não hàng loạt của đảng Dân chủ", hay cựu tổng thống Mỹ Barack Obama "là người chống lại Chúa".
Sau đó, mạng xã hội giúp mở ra cánh cửa để McIndoe tiếp cận với văn hóa chính thống. Anh bắt đầu theo dõi các kênh YouTube nổi tiếng nói về những sự kiện đương đại và văn hóa đại chúng, đồng thời lên mạng xã hội Reddit để tìm kiếm những quan điểm mới.
"Tôi được Internet nuôi dưỡng, bởi đó là nơi tôi tìm thấy rất nhiều kiến thức thật sự trong thế giới thực, thông qua các bộ phim tài liệu và YouTube. Toàn bộ hiểu biết của tôi về thế giới được hình thành qua Internet", McIndoe nói.
Năm 2016, McIndoe rời xa gia đình để theo học tại Đại học Arkansas. Đó là thời điểm anh nhận ra mình không phải người trẻ duy nhất phải đứng giữa quá nhiều luồng thông tin đối lập.
Tháng 1/2017, McIndoe có chuyến đi đến Memphis để thăm bạn bè. Lúc này, Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức tổng thống và có một cuộc tuần hành của phụ nữ ở trung tâm thành phố để phản đối ông. Trong khi đó, một nhóm người khác cũng xuống phố tuần hành để bày tỏ ủng hộ Trump. Khi nhìn thấy họ, McIndoe xé một tấm poster trên tường, lật mặt sau và ngẫu hứng viết cụm từ "Chim không có thật".
"Đó là trò đùa tự phát, nhưng phản ánh sự vô lý mà mọi người đang cảm thấy", anh giải thích.
McIndoe sau đó đi khắp nơi và truyền bá thuyết âm mưu Chim không có thật. Anh tự nhận mình là thành viên một phong trào tin rằng loài chim đã bị thay thế bằng các thiết bị giám sát không người lái từ những năm 1970. McIndoe không biết rằng mình bị quay video và đăng lên Facebook. Video dần được lan truyền rộng rãi, đặc biệt giữa các thanh thiếu niên miền nam nước Mỹ.
Tại thành phố Memphis, hình vẽ graffiti cụm từ "Chim không có thật" nhanh chóng xuất hiện. Những bức ảnh cho thấy cụm từ được viết nguệch ngoạc lên bảng hoặc trên tường tại các trường trung học địa phương cũng dần nổi lên. Nhiều người thậm chí in các nhãn dán có chữ "Chim không có thật".
Vì vậy, McIndoe quyết định dồn sức phát triển thông điệp này thành một phong trào. Anh và người bạn Connor Gaydos đã dựng lên lịch sử hư cấu của phong trào, ngụy tạo các thuyết âm mưu phức tạp, đưa ra những tài liệu và bằng chứng giả để củng cố tuyên bố phi lý của mình.
"Về cơ bản, Chim không có thật đã trở thành một thí nghiệm về tin giả. Chúng tôi có thể xây dựng một thế giới hoàn toàn hư cấu được truyền thông địa phương đưa tin và công chúng hoài nghi", McIndoe nói. Gaydos bổ sung thêm rằng nếu có ai đó tin loài chim không có thật, "có lẽ chẳng còn thuyết âm mưu nào mà họ không tin".
Năm 2018, McIndoe bỏ ngang đại học và chuyển đến sống tại Memphis. Để phát triển phong trào, anh làm tờ rơi trực tuyến và quảng bá trên mạng xã hội, thậm chí thuê diễn viên đóng vai cựu đặc vụ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) xác nhận dự án giám sát bằng thiết bị không người lái bề ngoài giống chim. Video đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem trên TikTok.
Cùng năm đó, McIndoe bắt đầu các mặt hàng ăn theo phong trào và kiếm được vài nghìn USD một tháng, giúp McIndoe và Gaydos trang trải chi phí sinh hoạt.
Đối với những người lo ngại về biện pháp "dĩ độc trị độc" của McIndoe, một số nhà nghiên cứu đánh giá bất cứ tác hại nào mà phong trào gây ra chỉ ở mức tối thiểu. "Bạn phải cân nhắc những tác động tiêu cực tiềm ẩn, nhưng trong trường hợp này, ảnh hưởng sẽ vô cùng nhỏ", Joshua Citarella, nhà nghiên cứu văn hóa Internet và tình trạng cực đoan hóa trên mạng ở giới trẻ, cho hay.
"Khi triển khai phong trào, chúng tôi luôn cố đảm bảo nó sẽ không rẽ sang hướng gây hậu quả tiêu cực cho thế giới", McIndoe nói. "Đây là không gian an toàn để mọi người tập trung lại và ứng phó với các thuyết âm mưu. Đây là cách để cười nhạo sự điên rồ thay vì bị nó khuất phục".
Các thành viên phong trào Chim không có thật cũng trở thành một lực lượng chính trị. Nhiều người thường xuyên hòa mình vào đám đông gồm những người biểu tình và những người theo thuyết âm mưu thực sự, nhằm giảm bớt căng thẳng và vô hiệu hóa quan điểm của họ bằng cách hô vang khẩu hiệu không liên quan.
Hồi tháng 9, ngay sau khi luật chống phá thai hà khắc có hiệu lực tại bang Texas, các thành viên phong trào đã đến dự cuộc biểu tình do những nhà hoạt động chống phá thai tổ chức tại Đại học Cincinnati. Những người ủng hộ luật mới "giơ những hình ảnh nhạy cảm và lên án mọi người quá gay gắt", McIndoe nói. "Điều đó dẫn đến các cuộc tranh cãi".
Khi khẩu hiệu "Chim không có thật" bắt đầu được hô vang, những người chống phá thai nhanh chóng bị lấn át, cuối cùng rời đi.
"Tôi vô cùng phấn khích với khả năng phong trào trở thành lực lượng thực sự và đấu tranh vì những điều tốt đẹp trong tương lai. Đúng là chúng tôi cố tình lan truyền tin giả trong 4 năm qua, nhưng mục đích là phản ánh thực trạng nước Mỹ trong thời đại Internet", McIndoe cho biết.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)