Hiromi, chuyên gia châm cứu 58 tuổi, trưởng thành với áp lực phải trở thành một người vợ, một công dân kiểu mẫu. Bà kết hôn từ khi còn trẻ và có ba người con, nhưng sau đó ly hôn và phải vật lộn để kiếm sống.
"Tôi chắc chắn một số người Nhật hoài nghi về lối sống này, khi chúng tôi phải chen chúc trên tàu và bị cuốn vào cuộc sống tập thể, giống như chúng tôi không nghĩ cho chính mình. Thay vào đó, chúng tôi tuân theo những gì người khác vạch sẵn", Hiromi chia sẻ.
Với niềm tin xã hội có điều gì đó không ổn, Hiromi đi tìm kiếm câu trả lời trên mạng. Trong lúc đọc những dòng tweet từ một người có ảnh hưởng trong ngành y tế, cáo buộc các công ty dược phẩm lớn coi công chúng như "chuột bạch" thí nghiệm, Hiromi bắt gặp tài khoản của Eri Okabayashi, một người theo thuyết âm mưu QAnon.
Tài khoản của Okabayashi gồm những thông tin về QAnon được dịch sang tiếng Nhật, với hơn 80.000 người theo dõi trước khi bị khóa hồi tháng 1, trong đợt "càn quét" hàng loạt tài khoản liên quan đến QAnon của Twitter. Tuy nhiên, Hiromi đã bắt đầu trò chuyện với Okabayashi, người cam đoan sẽ trao cho bà cơ hội giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Từ đó, QAnon đã mở ra lối thoát khỏi thực tế cuộc sống hàng ngày cho Hiromi. "Tôi không biết người khác nghĩ gì về mình, nhưng tôi cảm thấy mình trở nên vô cùng tự do", bà cho biết.
Thuyết âm mưu vô căn cứ của QAnon xuất hiện từ tháng 10/2017, khi một người, hoặc nhóm người, sử dụng tên "Q" để đăng một chủ đề lên 4chan, diễn đàn đăng nhập ẩn danh và được coi là "nơi khai sinh" của phong trào cực hữu này.
"Q" đã lan truyền nhiều thuyết âm mưu, bao gồm câu chuyện cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối đầu với một phe phái ngầm thuộc giới tinh hoa chuyên buôn bán trẻ em, hay giả thuyết về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm 2016. Từ góc khuất trên Internet, những thuyết âm mưu này dần thu hút người dân khắp thế giới.
Theo công ty nghiên cứu phân tích mạng xã hội Graphika, Nhật Bản đã trở thành một trong những mạng lưới hoạt động phức tạp và tích cực nhất của QAnon bên ngoài lãnh thổ Mỹ, với hệ tư tưởng riêng và những người có tầm ảnh hưởng. Dù không có ước tính chắc chắn về số lượng người theo QAnon trên toàn cầu hoặc tại Nhật, Hiromi được cho là một trong số ít những người rơi vào nhóm này.
QAnon bắt nguồn từ niềm tin rằng các chính phủ và tổ chức đang lừa dối công chúng, ý tưởng được thu hút rộng rãi khắp thế giới. Theo giới chuyên gia, các tín đồ QAnon đang tìm kiếm ý nghĩa trong một xã hội mà họ cảm thấy đã bị phá hoại và thao túng, từ đó tin rằng QAnon giúp giải đáp tất cả vấn đề của thế giới. Dù bắt nguồn từ chính trị Mỹ, các chuyên gia đánh giá thuyết âm mưu tại Nhật Bản đã trở nên khác biệt rõ rệt và vô cùng khó kiểm soát.
Yutaka Hori, chuyên gia nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Tohoku, cho biết các giáo phái và thuyết âm mưu không nổi trội tại Nhật Bản, nhưng vẫn từng tồn tại những nhóm tín ngưỡng như vậy, bao gồm nhiều nhóm xuất hiện từ rất lâu trước QAnon.
Matt Alt, tác giả sách về văn hóa Nhật Bản, chỉ ra rằng những năm 1990 là lúc nước này bước vào giai đoạn bất ổn kinh tế, khiến các giáo phái dễ dàng lợi dụng nỗi lo lắng của mọi người hơn. Aum Shinrikyo, giáo phái sùng bái ngày tận thế khét tiếng nổi lên vào những năm 1980, đã thu nạp được thêm thành viên trong giai đoạn này. Năm 1995, Aum Shinrikyo đã tiến hành vụ thảm sát bằng khí độc thần kinh sarin trên tàu điện ngầm Tokyo, khiến 13 người chết và hơn 6.200 người cấp cứu.
Với sự phát triển của Internet, các nền tảng ẩn danh dần trở thành nơi để những người mang tư tưởng cực hữu của Nhật Bản lan truyền quan điểm chống người nhập cư, thù ghét người Hàn Quốc hay Trung Quốc. "Tôi nghĩ QAnon Nhật Bản đang tự phát triển dựa trên một loạt phong trào cánh hữu cực đoan vốn tồn tại từ trước tại đất nước", Alt đánh giá.
Hai nhóm QAnon nổi bật tại Nhật bao gồm J-Anon và QarmyJapanFlynn (QAJF), lấy từ tên cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn của Trump. Họ đều không tin tưởng chính phủ Nhật và ủng hộ Trump, nhưng vẫn có những khác biệt lớn. Các tín đồ J-Anon tổ chức những cuộc tuần hành lớn công khai để ủng hộ cựu tổng thống Mỹ, trong khi QAJF không thấy việc này có ý nghĩa gì.
Hiromi và 2Hey, một tài xế giao hàng 33 tuổi, là thành viên của QAJF. 2Hey đã ly hôn và có một con trai, từng muốn trở thành chính trị gia để giúp thay đổi Nhật Bản, nhưng sau đó nghĩ rằng chính trị là "một trò hề". "Thật quá khó để trang trải cuộc sống ngay cả khi hai vợ chồng đều đi làm. Tôi luôn nghĩ có điều gì đó không ổn, rồi tìm thấy QAnon", 2Hey nói.
Theo Hiromi và 2Hey, QAJF không giống J-Anon hay những nhóm QAnon khác và trước đây họ chưa từng tham gia bất kỳ hội nhóm trực tuyến hay tôn giáo nào. Hai người này cho rằng bầu cử Mỹ có thể đã "bị đánh cắp", nhưng nhóm của họ không ủng hộ vụ bạo loạn ở Đồi Capitol hồi tháng 1. Họ giải thích rằng QAJF mang một sứ mệnh hòa bình, vượt xa khỏi vấn đề với Trump, là thuyết phục mọi người thách thức hiện trạng.
Yasushi Watanabe, chuyên gia nghiên cứu Mỹ tại Đại học Keio, cho biết thông tin về QAnon có thể bị thiếu sót trong quá trình dịch thuật, bởi các nhóm dựa vào tài liệu chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Nhật. "Họ không nhất thiết phải trực tiếp đáp lại những thông điệp của Trump, mà coi ông ấy như biểu tượng văn hóa phi truyền thống", Watanabe nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, mọi người thường tìm đến thuyết âm mưu trong những giai đoạn khủng hoảng. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm cảm giác bất an. "Nỗi tuyệt vọng vì Covid-19 có khả năng đã tạo cơ sở cho một số thuyết âm mưu phát triển", ông nói.
Thêm vào đó, mặc dù người Nhật thường tin tưởng chính quyền và truyền thông chính thống, "một loạt sai phạm từ những người cấp cao" đã khiến niềm tin bị xói mòn trong vài năm gần đây, theo báo cáo năm 2018 từ Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters và Đại học Oxford của Anh.
Báo cáo năm 2019 của nhóm cố vấn Nhật Bản Genron cũng phản ánh tình hình tương tự, khi 67% trong 1.000 người được khảo sát cho biết họ không tin các đảng chính trị hoặc kỳ vọng họ giải quyết vấn đề. 56% ít tin tưởng, hoặc không tin vào truyền thông.
Yoshiro Fujikura, nhà báo Nhật Bản và là chuyên gia về các giáo phái, cho biết tình trạng thiếu niềm tin vào truyền thông chính thống đã thúc đẩy một số người tìm kiếm nguồn thông tin thay thế trên mạng. "Mọi người bắt đầu nghĩ rằng truyền thông Nhật hẳn là vẫn che giấu những sự thật nghiêm trọng. Một số người bị ảnh hưởng bởi những ý kiến trên mạng và dễ bị tin giả chi phối", Fujikura cho hay.
Melanie Smith, giám đốc phân tích tại Graphika, cho biết khi Twitter khóa 70.000 tài khoản liên quan đến QAnon hồi tháng 1, khoảng 45% tài khoản có liên kết với QAnon đăng tweet bằng tiếng Nhật cũng ngừng hoạt động.
"QAnon tại Nhật là cộng đồng quốc tế đầu tiên chúng tôi nhận thấy có đủ gắn kết để trở thành một mạng lưới, nghĩa là họ có những người gây ảnh hưởng riêng, kiểu dấu hiệu ngôn ngữ riêng và tín hiệu riêng về mặt nội dung", Smith nhận định. "Chúng tôi có thể nói rằng cộng đồng đó vẫn tương đối mạnh, bất chấp hành động từ Twitter".
2Hey cho biết anh cảm thấy tức giận khi bị Twitter khóa tài khoản, nhưng nhóm QAJF của anh đã chuyển sang những nền tảng khác, đồng thời trực tiếp ra bên ngoài tìm thêm thành viên mới. Hiromi thường tổ chức các buổi gặp mặt tại địa phương với đối tượng chủ yếu là phụ nữ trung niên, những người chưa biết gì về QAnon.
J, 30 tuổi, một thành viên khác của QAJF sống tại Hokkaido, cho biết anh đã đi khắp đất nước để quảng bá cho QAnon bằng cách phát tờ rơi, tổ chức sự kiện và livestream. Do đó, bất chấp hành động của Twitter, QAJF tuyên bố số thành viên trong đại dịch đã tăng hơn 10 lần, lên 1.000 thành viên, bao gồm cả nam và nữ, giàu và nghèo.
Chuyên gia Hori dự đoán sự phát triển của mạng xã hội thậm chí có thể dẫn đến việc phát triển những phong trào tôn giáo mới trong tương lai. Trong khi đó Fujikura nêu viễn cảnh các nhóm thuyết âm mưu thu nạp được thêm thành viên, giành quyền lực chính trị và tổ chức những hoạt động cực đoan hơn.
"Ngay cả khi QAnon sụp đổ, tôi không nghĩ J-Anon sẽ chịu số phận tương tự", nhà báo nói, thêm rằng phải cố gắng thuyết phục các tín đồ thuyết âm mưu, đảm bảo họ tiếp cận được với sự thật.
Tuy nhiên, đây dường như là một việc khó khăn, khi Hiromi, 2Hey và J vốn đã xác định các tổ chức cộng đồng và xã hội đang lừa dối họ, đồng thời lựa chọn sống trong "thực tế" mà QAnon vẽ ra.
Ánh Ngọc (Theo CNN)