Nhà máy sản xuất khó tuyển được nhân sự Gen Z, trong khi thế hệ này cũng không mặn mà với ngành sản xuất công nghiệp. Đó là một thực tế đang tồn tại khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu trong thời gian qua. Những đối nghịch giữa khối ngành công nghiệp sản xuất và nhu cầu, mong muốn của Gen Z đang đặt các nhà máy vào cuộc khủng hoảng tìm kiếm nhân sự bổ sung hoặc thay thế cho các thế hệ trước.
Có một sự thật khá là buồn cười hiện nay là các nhà máy chủ yếu chạy theo xu hướng tuyển dụng và đào tạo lao động Gen Z (những người sinh từ sau năm 1997), trong khi bản thân các em trẻ này lại không hề yêu thích cũng như định hướng đi theo ngành này vì quá vất vả, phải tuân thủ thời gian làm việc đúng ca, kíp, đề cao tính nguyên tắc, kỷ luật vì làm theo dây chuyền. Ngoài ra, thế hệ Z cũng không chịu được áp lực công việc lớn như thế hệ đi trước.
Trong khi đó, lứa 8X, 9X như tôi (tôi sinh năm 1988, năm nay 36 tuổi) vốn có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng tốt, có tinh thần cầu tiến, có mong muốn được cống hiến ở một công việc ổn định thì lại bị các công ty chê già, chậm tiến và không tuyển dụng.
Bản thân tôi là một người có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đơn hàng. Cùng với rất nhiều anh chị em 8X, 9X khác, tôi cũng đang lao đao tìm việc trong tình hình kinh tế bất ổn này. Thực ra, nguồn cung lao động ở ta không hề thiếu, cái thiếu ở đây chính là "một góc nhìn khác" từ những người quản lý nhân sự, các nhà tuyển dụng, cũng như ban lãnh đạo doanh nghiệp.
>> Phán xét nhân viên Gen Z nhuộm tóc, xăm mình
Còn nói về thế hệ lao động Gen Z, đúng là các em có rất nhiều lợi thế hơn lớp cha anh ngày trước. Nhưng có một thứ duy nhất tôi hiếm khi nhìn thấy ở các bạn trẻ, đó chính là "nghị lực vượt qua khó khăn". Chắc hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc vì sao nghị lực chịu khó lại quan trọng như vậy, khi các bạn đã có rất nhiều lợi thế? Câu trả lời là bởi vì dù là bạn, tôi hay bất cứ ai thì chúng ta cũng đều sẽ không thể trẻ mãi như lúc này.
Khi ở tuổi 18-25, thậm chí là trước 30 tuổi, các bạn đa số chưa hiểu và chưa nghĩ đến vấn đề này. Chỉ khi bước qua tuổi 30, bị cuộc sống, công việc, gia đình, tình cảm nhân sinh vùi dập, lúc đó chúng ta mới quay lại hối hận, lúc đó đã muộn lắm rồi. Bởi vậy nên, thay vì phung phí tuổi trẻ nhảy việc theo những ảo mộng xu thế, lời khuyên của tôi dành cho các trẻ là nên tập trung tận dụng nhiều lợi thế đang có để xây dựng một con đường tốt nhất cho mình trong tương lai.
Thử hình dung nếu các bạn cứ nhảy việc một cách vô tội vạ thì đến năm 30 tuổi, bạn sẽ viết gì trong CV xin việc? Rằng "tôi là một thanh niên từng làm trên 10 công ty - mỗi nơi vài tháng" sao? Liệu có nơi nào sẽ đánh giá cao chuyện này? Nếu có nơi nào chấp nhận các bạn đi nữa thì cũng không phải là môi trường tốt.
Tóm lại, để ngành sản xuất công nghiệp và lao động Gen Z tìm được tiếng nói chung, đòi hỏi sự thay đổi từ cả hai phía.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Khó chiều những nhân viên Gen Z hay hờn dỗi, dễ nhảy việc
- Tâm lý nhảy việc dễ dãi của nhiều Gen Z
- Tôi không tuyển nhân viên nhảy việc bốn lần trong hai năm
- 'Thật không may vì Gen Z vào đời đúng thời kinh tế khó khăn'
- Tôi phát ngán thái độ làm việc tùy hứng của nhiều đồng nghiệp Gen Z
- Khó hòa hợp với đồng nghiệp Gen Z thích 'việc ai nấy làm'