Anh là giám đốc một hợp tác xã sản xuất gạo ở Đăk Nông, nơi anh và cộng sự trồng thành công giống ST24. Anh tin đó là giống gạo ngon hàng đầu Việt Nam, muốn có chứng nhận bền vững để xuất vào các thị trường cao cấp châu Âu hay Mỹ. Anh khiến tôi cảm động vì "rất muốn xóa đi quan niệm rằng gạo Việt Nam chỉ đủ sức xuất sang các thị trường dễ tính".
Điều này cũng là trăn trở gần như ám ảnh của tôi khi gạo Việt chưa thể tham gia thị trường gạo chất lượng cao. Tôi cũng được niềm tin của nông dân kia tác động, rằng hạt gạo của chúng ta hoàn toàn đủ điều kiện vào các thị trường khó tính. Bằng chứng: gạo ST25 đã là nhà vô địch cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2019 tại Philippines, vượt qua cả gạo Thái vốn luôn dẫn đầu về thương hiệu gạo.
Giới "làm gạo" chúng tôi biết không có sự khác biệt lớn về chất lượng giữa ST24 và ST25. Sự khác biệt nhiều nhất ở đây là tên gọi. Ăn thử, tôi thật khó có thể phân biệt được sự khác biệt giữa hai loại gạo này. Điểm chung là chúng đều dẻo thơm, vị ngon ngọt. So với các loại gạo ngon của Thái Lan, Ấn Độ hay Campuchia mà tôi từng thử, hạt gạo ST25, ST24 hơn hẳn về hương vị và độ dẻo.
Tôi giới thiệu vị giám đốc nông dân tiếp cận một hội thảo kết nối thị trường châu Âu và Việt Nam. Khách mời là tham tán, đại sứ của một số nước châu Âu và biết về loại gạo này. Có vị còn tự bỏ tiền mua gạo về ăn. Điều đó cho thấy gạo ST25, ST24 không chỉ được biết trong cộng đồng người làm gạo Việt Nam mà còn với giới giao thương nước ngoài. Nó vì thế có lợi thế lớn trong việc chào bán cho người mua ở châu Âu.
Thế nhưng việc đưa gạo Việt vào châu Âu không chỉ đòi hỏi chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi các chứng nhận và thông tin khác. Phía châu Âu khi đặt hàng sẽ yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc (QR code) trong khi các nhà xuất gạo Việt Nam đang loay hoay về việc này. Vị giám đốc trồng gạo bảo đó là câu chuyện con gà quả trứng. Châu Âu yêu cầu có QR code mới nhập gạo trong khi các cơ quan liên quan tại Việt Nam yêu cầu họ phải mua hàng rồi mới cấp thông tin truy xuất nguồn gốc. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp muốn đưa gạo ST25, ST24 sang lục địa già.
Gạo nào, của ai sẽ xuất được vào châu Âu? Chính các nhà mua hàng châu Âu cho tôi biết, chỉ cần gạo chất lượng ngon và ổn định với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận và có sản lượng đều đặn sẽ vào được thị trường này. Dĩ nhiên, nếu có đầy đủ yếu tố trên kèm theo mác "gạo ngon nhất thế giới", việc tiếp thị sẽ tốt hơn.
Thái Lan hai năm liền trước đây đã mất danh vị gạo ngon nhất thế giới vào tay Campuchia và Việt Nam. Và họ vẫn bền bỉ tham gia các cuộc thi gạo ngon. Kết quả là năm nay, họ giành lại danh hiệu gạo ngon nhất thế giới. Liệu họ có tiếp tục đoạt giải năm 2021 không? Ngay người Thái cũng không thể đoan chắc được, nhưng tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục dự thi vì biết rất rõ đây là kênh quảng bá tốt nhất cho thương hiệu gạo Thái. Hoa hậu, á hậu đều có thể thay đổi mỗi năm. Hà cớ gì mà một lần giành được vương miện rồi ở ẩn, để vài năm sau không ai nhớ đến ta?
Việc liên tục tham gia các cuộc thi quốc tế giúp thương hiệu gạo Việt được thế giới nhắc đến. Nhất là khi chúng ta đã có giống gạo ngon, cơ hội đoạt giải cao rất khả thi. Không chỉ với ST24, ST25, ta hoàn toàn có thể đưa thêm những giống lúa chất lượng cao khác tham dự các cuộc thi gạo ngon; đồng thời phát triển các loại giống ST nhằm tăng chất lượng, tăng năng suất kháng sâu bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từng bước phát triển các giống gạo hữu cơ và quảng bá gạo đặc sản như huyết rồng hay gạo tím để tiếp cận các phân khúc thị trường cấp cao; đăng ký cấp chứng nhận gạo bền vững từ các tổ chức toàn cầu như "thương mại công bằng", "hữu cơ", "Global Gap", nông dân sẽ không còn chịu thiệt.
Tin tốt là ST24 đã được công nhận là giống quốc gia cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi hy vọng việc phát triển giống gạo cho các vùng khác như Tây Nguyên hay đồng bằng Bắc bộ là bước tiếp theo sau khi đã có kết quả thực nghiệm. Một chiến lược quốc gia cụ thể hướng đến sản xuất gạo để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực hay gia tăng giá trị xuất khẩu của Chính phủ đang được chờ đợi.
Nhiều năm đi cùng hạt gạo, chúng tôi mong mỏi tới ngày thương hiệu "Việt Nam" không chỉ được biết đến như một trong những vựa gạo lớn mà còn sản xuất ra gạo hoa hậu, á hậu cho thế giới.
Trần Ban Hùng