Tôi muốn dùng từ "hột" lúa thay vì "hạt" lúa bởi cách đây nhiều năm, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, vị Viện trưởng đầu tiên của Viện đại học Cần Thơ, tác giả của nhiều sách nổi tiếng về thực vật học đã đề nghị sinh viên ngành thực vật học và nông nghiệp phân biệt "hột" và "hạt". "Hột" là sản phẩm của thực vật, có thể nảy mầm thành cây mới, như hột lúa, hột đậu, hột bắp... "Hạt" là hột được bóc tách vỏ hoặc một phần phôi, không thể nảy mầm, ví dụ hạt gạo là hột lúa đã bị bóc tách phần trấu, vỏ cám và hạt tấm.
Trước mặt là sông, giữa là nhà, sau lưng là ruộng. Các vùng "lúa ma" là nơi cung cấp hột lúa có thể ăn được, chỉ có thể thu hoạch vào cuối năm, khoảng thời gian nửa đêm rạng sáng. Vì khi nắng lên, hột lúa sẽ tự rụng. Loại lúa này tự sinh theo con nước, tự lớn, tự gieo hạt. Hột lúa nhỏ, nấu cơm cứng hạt, râu lúa dài gấp nhiều lần chiều dài hột lúa. Ruộng lúa lúc đầu chỉ là những thảo điền (ruộng đầy cỏ), sau dần dần được khai phá, chỉnh trang thành đất chuyên trồng lúa. Nông dân ban đầu vẫn sống trong cảnh "nửa năm đi trên mặt nước, sáu tháng đạp trên đất đồng khô".
Chẳng biết chính xác tự lúc nào, cây lúa đã gắn với người dân vùng châu thổ như một số phận kéo dài nhiều thế hệ. Người thành thị vẫn gọi nông dân đồng bằng bằng cái tên "Hai lúa". Suốt mấy ngàn năm lịch sử đầy biến động của Việt Nam, chén cơm hàng ngày vẫn là một ám ảnh. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, đầu thế kỷ trước, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã thốt lên: "Ôi, làm người mà được ăn cơm thì sướng quá!". Vậy mà, một thế kỷ sau, câu hỏi thăm của người Việt khi gặp nhau vẫn là: "Ăn cơm chưa?"
Người Việt xưa, khi còn nhỏ, ngoài sữa mẹ, còn có chén nước cơm pha thêm tí đường, và lúc nhắm mắt lìa đời, trên bàn thờ vẫn là chén cơm cúng. Khi vua Gia Long lên ngôi từ nửa đầu thế kỷ thứ 19, nước Việt bắt đầu có những quy định pháp lý về đo lường gạo, tiếp đến vua Minh Mạng đã bắt buộc các quan lại phải báo cáo định kỳ lên triều đình về sản lượng gạo và giá gạo ở địa phương. Chính tư duy về tầm quan trọng của lúa gạo từ xưa như vậy nên ngày nay, nhiều chính sách vẫn đeo bám cây lúa và các loại lương thực khác như một chiến lược quan trọng trong an ninh quốc gia. Từ một nước phải ăn độn, hạt gạo Việt Nam đã có mặt trên 130 nước.
Năm 1972, trong buổi điền dã ở xã Thới Thạnh, quận Phong Phú, tỉnh Phong Dinh - bây giờ là quận Ô Môn, Cần Thơ - đến nhà một bác nông dân, tôi thắc mắc khi thấy bên hông bàn thờ tổ tiên giữa nhà có treo câu "Thần nông chi bảo". Tôi hỏi "Thưa Bác, câu đó nghĩa là sao?". Chủ nhà cười nói: "Bác là nông dân thì thờ ông Thần Nông. Thần bảo sao thì mình theo vậy mà sống". Ba tôi lúc đó mới giải thích thêm, là nhà bác này làm ruộng khấm khá lên là nhờ giống lúa cải tiến IR8 (Improvement Rice-IR), mà dân mình gọi là giống lúa Thần Nông, xem như đấy là giống lúa quý, ngắn ngày, dễ trồng, cứng cây, cho năng suất cao. Từ hình ảnh đó, tôi hay suy nghĩ về sự gắn chặt giữa cây lúa và người nông dân như một số phận. Nó đã đi theo một phần cuộc đời nghiên cứu của tôi nhiều năm sau này, trong các mối quan hệ giữa đất, nước và cây trồng.
Niên vụ 2020, Việt Nam đứng trước thử thách lớn ảnh hưởng đến các quyết sách lương thực. Đại dịch toàn cầu Covid-19 đang hoành hành. Nhiều nước tìm cách gia tăng mua lương thực dự trữ khiến giá gạo nhích dần lên. Giá gạo xuất cảng cao hơn là một tín hiệu tốt cho nông dân có thể có nguồn thu nhập cao hơn.
Việt Nam hoàn toàn không lo thiếu ăn trong điều kiện hiện nay. Không có đồng bằng nào trên thế giới có khả năng chỉ trong vòng 100 ngày có thể tạo ra xấp xỉ 7 triệu tấn lúa như châu thổ sông Cửu Long. Việc quyết bán gạo vào thời điểm nào, bán bao nhiêu không phải chuyện quan trọng nhất. Chuyện những "Hai lúa" đang mong mỏi là Chính phủ chỉ đạo tăng giá mua gạo trong nông dân cao hơn để họ đỡ khổ, Nhà nước có thêm dự trữ trong kho và xuất cảng. Đồng thời, việc xuất cảng gạo phải minh bạch về thông tin và thủ tục, kể cả năng lực trữ gạo.
Hình ảnh tiền nhân thu hoạch "lúa ma" lúc nửa đêm hơn 300 năm trước không hề giống việc mở thủ tục Hải quan để xuất gạo cũng từ nửa đêm như hôm nay. Cho dù phía Hải quan biện minh do "hệ thống tự động kích hoạt", nhưng vấn đề là cách làm này không được thông tin rộng rãi và công bằng với tất cả về thời gian kích hoạt hệ thống. Nhiều doanh nhân có gạo để xuất phải "canh me" trên mạng chờ nộp tờ khai, nhưng vẫn không tới lượt.
Vùng châu thổ Cửu Long từ lâu được mệnh danh là "vựa lúa" của cả nước. Chữ "vựa" là một phương ngữ duy nhất chỉ có miền Nam. "Vựa" được hiểu là kho thu mua, kho tập trung, kho chứa, kho trung chuyển, đôi khi là nơi chế biến và cả bán sỉ, bán lẻ. Nhiều "chủ vựa" hiện nay nhận luôn khâu logistic gồm cả các dịch vụ đóng gói, bao bì, bốc xếp, vận chuyển, làm thủ tục kiểm tra chất lượng, mở vận đơn xuất nhập khẩu, thanh toán, chuyển khoản... Nhiều năm nay, nông dân là người làm ra hột lúa và hạt gạo, chịu nhiều hy sinh vất vả, chịu sự ô nhiễm môi trường đất, nước và cả không khí, chịu mất mát do sự biến dạng văn hoá, nhưng thu nhập chính của nông dân vẫn bấp bênh theo các chủ trương từ các cấp trên cao và các công ty kinh doanh lương thực.
Dù Hội Nông dân Việt Nam có mặt đến từng xã, từng huyện, nhưng thực tế, nông dân chưa được có ý kiến tham gia vào các quyết sách liên quan đến nông sản của họ. Nông dân vùng châu thổ vẫn loay hoay trong vòng nghèo khổ, mong muốn tiền lời 30% từ trồng lúa vẫn xa vời. Gần như nông dân không được gì ngoài một vòng nguyệt quế ảo về trọng trách "bảo đảm an ninh lương thực" mà một số cán bộ tuyên truyền khoác cho họ.
Đến khi nào, chính sách xuất khẩu gạo hết giật cục, cách nhìn nhận và quyết sách lương thực của Việt Nam có tiếng nói của nông dân như một bên liên quan? Tôi, cũng như nhiều nông dân, cho rằng cần thiết phải có một nhóm cố vấn về chính sách lương thực quốc gia, thành phần gồm đại diện nông dân trực tiếp sản xuất và có hiểu biết. Nhóm cố vấn cho Chính phủ này sẽ xem xét các quyền lợi chính đáng của nông dân trong các chủ trương đầu tư cho nông nghiệp và xuất cảng nông sản. Song song đó, nếu các ý kiến của chuyên gia kinh tế nông nghiệp và nông dân được Chính phủ lắng nghe nhiều hơn, các quyết sách vĩ mô liên quan đến hột lúa của quốc gia sẽ tâm phục khẩu phục hơn.
Lê Anh Tuấn