Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết gạo tẻ tính vị ngon ngọt, mát, bình, tác dụng bổ huyết khí, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Gạo tẻ lâu năm vị chua, hơi mặn, tính ấm, tác dụng thông huyết mạch, giúp tiêu hóa. Gạo tẻ thường chủ trị sốt cao, ra mồ hôi. Gạo tẻ sao (rang) vị ngọt tính ấm, tác dụng tốt cho tiêu hóa, cầm tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ.
Gạo nếp vị ngọt, thơm ngon, mềm dẻo, tính ấm, chủ trị đau bụng, nôn mửa, tiểu tiện ra dưỡng chất như lipid, protein.
Đông y có nhiều bài thuốc từ gạo tẻ và gạo nếp. Gạo tẻ một nắm, tri mẫu 12 g, hoàng cầm 12 g, sinh thạch cao 40 g, cam thảo 4 g sắc uống, tác dụng trị sốt cao, ra mồ hôi.
Gạo tẻ sao cháy lượng 40 g sắc uống cùng 5 lát gừng, muối, nước, chữa nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Gạo nếp 20 g cùng 3 lát gừng tươi sắc uống hoặc nấu cháo ăn trị đau bụng, nôn mửa, tì vị hư yếu.
Thóc nếp ngâm ủ cho nảy mầm, dùng mầm này nấu thành kẹo mạch nha. Kẹo mạch nha có vị ngọt, tính ấm, tác dụng ích khí lực, nhuận phế, tiêu đờm, chủ trị đau bụng, ho máu, uống thuốc quá liều, tích ứ sữa (vú sữa căng tức), theo lương y Sáng. Ngoài ra có thể dùng làm thuốc hoặc tá dược cho thuốc - những chất không có hoạt tính (dược lý hoặc sinh học) được sử dụng trong bào chế thuốc.
Ngoài kẹo mạch nha, cám gạo cũng là thực phẩm chữa bệnh tốt. Cám gạo vị ngọt tính bình, tác dụng khai vị, chống đói. Cám gạo cùng đường mật làm kẹo chè lam ăn, tác dụng chữa nghẹn. Cám gạo cùng đậu đỏ, gạo nếp, đường mật lượng bằng nhau, nấu chè, nấu cháo ăn hoặc sắc uống, tác dụng chữa tê phù.
Đặc biệt, trong thành phần cây lúa không chỉ có gạo mà còn rạ, rơm cũng được dùng làm thuốc và chế biến thành món ăn bổ dưỡng.
Rạ lúa nếp đốt ra than, bôi và sắc lấy nước đặc ngâm rửa chữa mụn trĩ, lở ngứa. Rơm lúa nếp 150 g sắc uống chữa đái đục. Rơm, rạ khô, dùng gây trồng nấm rơm (nấm mỡ) là một thứ nấm có nhiều chất dinh dưỡng, bổ cơ thể. Nấm rơm còn tác dụng chữa sinh dục yếu.
Thúy Quỳnh