Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết gạo trắng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như magiê, vitamin, sắt, canxi, protein, carbohydrate... Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần ăn của người Việt Nam.
Hàm lượng glucid trong gạo chiếm đến 74-76%, chủ yếu dưới 2 dạng là amidon và amilopectin. Amilopectin có tính chất trương ra khi gặp nhiệt độ. Gạo càng để lâu thì lượng amilopectin càng cao nên nấu được nhiều cơm hơn gạo mới thu hoạch.
Lượng protein trong gạo khoảng 7-8%, thay đổi tùy thuộc vào độ xay xát. Gạo xát càng trắng thì tỷ lệ protein càng thấp. Albumin và globulin là thành phần chính trong protein của gạo. Protein trong gạo thấp hơn trong lúa mì và ngô, tuy nhiên giá trị sinh học của gạo lại cao hơn. So với protein của trứng, thịt, protein của gạo nghèo lysin.
Lượng lipid trong gạo rất ít, chỉ 1-1,5% thành phần.
Theo Boldsky, gạo trắng cung cấp năng lượng tức thời vì rất giàu carbohydrate. Gạo chứa magiê giúp tăng cường hệ miễn dịch và thiamine làm tăng trí nhớ. Mức natri trong gạo thấp nên phù hợp với người bị bệnh huyết áp cao. Đặc biệt, gạo trắng không chứa gluten - chất gây dị ứng thực phẩm.
Giá trị dinh dưỡng của gạo thay đổi tùy thuộc vào giống, điều kiện đất đai, khí hậu và điều kiện canh tác. Cách bảo quản, chế biến và sử dụng cũng khiến nguồn dinh dưỡng trong gạo bị thay đổi.
Quá trình xay xát, bảo quản và nấu nướng khiến giá trị dinh dưỡng trong gạo bị giảm đáng kể. Gạo vo quá kỹ, lúc nấu cho nhiều nước rồi gạn bớt sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng. Gạo xay quá kỹ cũng làm hao hụt các vitamin.
Gạo để lâu dễ bị mốc và bị con bọ gạo (tineagranella) tấn công phá hủy nhân gạo. Nấm mốc do vi sinh độc tố aflatoxin, tích lũy trong cơ thể có thể gây ung thư gan.
Do đó, gạo phải được bảo quản trong kho mát, thoáng khí, không ẩm ướt. Bao gạo xếp trên những ván thưa, kê cao so với mặt đất và xếp thành hàng để dễ kiểm tra.
Thùy An