Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quan điểm 'Rất vô lý khi nhân viên ở lại phải gánh việc cho người bị sa thải' của tác giả Đình. Có người cho rằng việc phải gánh việc cho đồng nghiệp là một bất công với người lao động. Cá nhân tôi lại có suy nghĩ khác. Công bằng trên đời này chính là có làm thì mới có tiền, làm nhiều được nhiều, không làm thì không được gì, vậy thôi.
Khi kinh tế khó khăn, người chủ doanh nghiệp cần cắt giảm mọi chi phí để duy trì hoạt động, nhưng nếu tính không khéo sẽ khiến công ty phải đóng cửa luôn. Và một trong những lý do đóng cửa nhanh nhất đó là không có nhân viên nào làm việc cho mình nữa. Do đó, người chủ nào cũng muốn giữ chân những người làm được việc chứ không ai lại cố o ép để nhân sự nghỉ việc hết.
Thay vì than vãn, trách móc lãnh đạo công ty khi bắt mình phải làm quá nhiều việc, tại sao các bạn không nhìn câu chuyện dưới góc nhìn của người quản lý để hiểu cho quyết định của họ? Ngoài ra, các bạn cũng hoàn toàn có quyền quyết định cuộc đời của mình bằng cách nghỉ việc. Đó chính là công bằng, ai cũng có quyền như nhau, không ai bắt bạn phải làm một công việc nào mãi cả.
Nhưng tiếc rằng, trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, hai bên luôn phải phụ thuộc nhau để tồn tại. Thế nên, vì trách nhiệm khác nhau nên người có trách nhiệm lớn hơn (người sử dụng lao động) sẽ có quyền lớn hơn áp chế người có trách nhiệm ít hơn (người lao động). Tôi tin người chủ nào cũng thấy việc thu nhỏ quy mô doanh nghiệp là một bước vô cùng khó khăn chứ chẳng ai muốn phải sa thải hàng loạt nhân viên và ức hiếp những người còn ở lại làm việc cho mình cả.
>> Tôi bỏ hẳn tư tưởng 'việc ai nấy làm' khi ở nước ngoài
Nếu nhân viên nào cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân, ích kỷ, không chịu hy sinh, cống hiến thì công ty đó cũng sớm phải đóng cửa. Lúc đó, chính bạn - nhân viên của công ty cũng thất nghiệp theo. Ai cũng nói rất hay rằng tôi có nghề, không sợ không có việc làm, không sợ đói ăn. Nhưng để chứng minh bản thân giỏi, bạn phải dám làm hết sức chứ không thể cứ than vãn, trách móc. Người tài giỏi cộng thêm siêng năng có một đặc điểm đó là không bao giờ than thở, đổ lỗi cho người khác. Họ luôn thấy bản thân cần nỗ lực hơn nữa để phục vụ, cống hiến cho công việc thay vì nghi ngờ mình bị người khác bóc lột, lợi dụng.
Thị trường mua - bán luôn phụ thuộc cung và cầu. Nếu nhu cầu thị trường không còn thì một sản phẩm, một doanh nghiệp có thể sẽ không thể tồn tại. Thế nên, người lao động cho dù có muốn hay không cũng phải biết rõ mình đang làm gì, đi hay ở, chuyển việc hay không để chọn hướng đi đúng đắn cho tương lai của chính mình.
Người thông minh (IQ cao) sẽ luôn biết mình muốn gì và khi có được điều mình muốn thì họ sẽ thỏa mãn, vui sướng. Người thông minh muốn thay đổi xung quanh để hài lòng mong cầu của bản thân. Trong khi người có trí tuệ (EQ cao) lại luôn biết mình không muốn gì và luôn vui vẻ với những việc không đúng ý xung quanh. Người có trí tuệ sẽ chấp nhận hoàn cảnh xung quanh và thay đổi chính mình cho phù hợp với thời thế và thực tế của công việc, cuộc sống.
Quay trở lại với câu chuyện gánh việc cho đồng nghiệp bị sa thải, nếu bạn có thể giúp đỡ người khác bằng hành động theo ý mình muốn nghĩa là bạn rất thông minh. Nếu bạn có thể giúp đỡ người khác thay đổi suy nghĩ và cách làm cho hợp thực tế và dài lâu cho chính họ tự lực thì bạn là người trí tuệ. Bạn có thể góp ý cho công ty bằng những kế hoạch, chính sách, sáng tạo của bản thân để giải quyết vấn đề hiện tại, thay vì bất bình, bất mãn cho người khác.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.