Đại hội bắt đầu lúc 8h sáng 24/11 nhưng từ trước đó hơn một tiếng, hàng trăm nhà văn tụ tập trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm, khiến hội trường náo nhiệt. Nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi - Du An - từ Điện Biên xuống Hà Nội sớm một ngày, tự hào vì là một trong những đại biểu có mặt sớm nhất. Anh nói: "Tôi rất háo hức tham dự sự kiện, cảm thấy nôn nóng, phấn khởi từ vài ngày trước. Đến đại hội, mục tiêu lớn nhất của tôi là giao lưu với các bạn viết, từ đó có thêm cảm hứng sáng tác". Còn tác giả Phan Mai Phương (Hòa Bình) lần đầu dự đại hội, thích thú vì được gặp nhiều đàn anh, đàn chị mà chị ngưỡng mộ.
Nhà thơ Anh Ngọc nói công việc sáng tác văn học vốn "một mình một bóng", phải tự thân vận động nên "Đại hội là dịp để anh em, bạn bè động viên, chia sẻ những khó khăn trong nghề". Nhà thơ Phùng Hiệu (TP HCM) đồng quan điểm: "Tôi quen nhiều đồng nghiệp qua diễn đàn 10 năm, thường xuyên trò chuyện nhưng đến nay mới được gặp mặt. Cảm giác ấy giống như anh em trong nhà hội ngộ sau nhiều ngày xa cách".
Ngoài phần trình bày các tham luận văn học, đóng góp ý kiến xây dựng quy chế hoạt động, đại hội còn bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhiều đại biểu mong muốn "trẻ hóa" đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới.
Nhà văn Đỗ Hàn nói: "Tôi hy vọng đại hội bầu ra một thế hệ lãnh đạo mới, có cách nhìn, cách đánh giá mới, mở ra những đường hướng sáng tạo tân tiến của các nhà văn". Nhà văn Du An nhận định: "Có nhiều gương mặt trẻ trong Hội có khả năng lãnh đạo. Người trẻ sẽ mang luồng sinh khí mới, tránh sự trì trệ". Hiện người trẻ nhất ban chấp hành Hội là nhà văn Bình Phương, sinh năm 1965.
Nhà thơ Phùng Hiệu cho rằng chủ tịch, các thành viên Ban chấp hành phải là những người có tài năng, uy tín. Anh dự đoán ông Nguyễn Quang Thiều hoặc Trần Đăng Khoa sẽ là chủ tịch mới vì nhận được sự tín nhiệm cao của các hội viên. Trong khi đó, một số tác giả nữ như Lê Thanh Vy (An Giang), Phan Mai Hương (Hòa Bình), Lộc Bích Kiệm (Lạng Sơn) mong muốn có một lãnh đạo nữ trong ban chấp hành hội nhà văn.
"Các cây bút nữ là niềm tự hào của phái đẹp. Tôi mong một nhà văn nữ trúng tuyển vào ban chấp hành, từ đó nói lên được tâm tư, tình cảm của các nhà văn nữ nói riêng, phái đẹp nói chung", nhà nghiên cứu văn học Lộc Bích Kiệm nói.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ mong muốn ban lãnh đạo mới sát sao tới đời sống, tác phẩm của nhà văn, thường xuyên trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, tránh để trường hợp bán 189 tác phẩm cho một trang sách điện tử với giá 50 triệu đồng một năm như hồi 2016. Nhà thơ Anh Ngọc đề xuất bỏ thủ tục tác giả tự làm hồ sơ ứng cử với các giải thưởng lớn như Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hội Nhà văn. Ông nói: "'Tôi nghĩ nên thành lập một hội đồng chọn lọc tác giả, tác phẩm, hoàn thiện hồ sơ cho họ. Khi cần thông tin, tác giả có thể tư vấn. Nhà văn vốn là những người có cái 'tôi' lớn, họ không thích tự làm những vấn đề liên quan thủ tục như vậy, từ đó dẫn đến việc nhiều người xứng đáng bỏ lỡ giải thưởng".
Hội Nhà văn Việt Nam thành lập năm 1957, trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tập trung hoạt động trong bốn lĩnh vực: văn xuôi, thơ, phê bình, và dịch thuật. Chủ tịch Hội đầu tiên là nhà văn Nguyễn Công Hoan (1957 - 1963). Nhà thơ Hữu Thỉnh đảm nhận chức vụ này bốn khóa, từ năm 2000 đến nay. Ban chấp hành hội hiện có: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Khuất Quang Thụy.
Hà Thu (Ảnh: Thanh Huế)