Cách đây ít ngày, nhà văn Nguyễn Văn Thọ phát hiện tác phẩm Quyên của ông được rao bán trên trang Waka. Không chỉ bức xúc vì tác phẩm được tự ý khai thác, nhà văn còn bất ngờ khi sách của ông được đề bán giá 0 đồng mà ông gọi là "cho không".
Sau khi nêu thắc mắc với trang bán hàng nói trên, tác giả được thông báo họ có hợp đồng mua bán với Trung tâm bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam (VLCC). Theo Nguyễn Văn Thọ, ông không hề nhận được thông tin gì từ VLCC về việc mua bán này.
Ông Đỗ Hàn - Phó Chủ tịch Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn - chia sẻ nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Văn Thọ, đã ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm VLCC. Hợp đồng gồm điều khoản bảo hộ và khai thác tác phẩm. "Việc khai thác có nhiều cách như trên tác phẩm giấy, trên môi trường số hay đài phát thanh... Trước khi bán cho Waka, người của Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn đã gọi điện hỏi nhà văn Nguyễn Văn Thọ về việc liệu ông có bán độc quyền cho bên nào và được khẳng định là không nên Trung tâm mới khai thác trên môi trường số", ông Hàn nói.
Khi được ông Thọ phản ánh việc tác phẩm Quyên được đề bán giá 0 đồng trên Waka, nhà văn Đỗ Hàn ban đầu cũng ngơ ngác vì không biết điều này. Sau khi tìm hiểu, ông Hàn cho rằng đây chỉ là cách để trang bán hàng trực tuyến thử nghiệm sức mua của độc giả. "Điều này đúng là bên Waka làm không hay vì động chạm đến tâm lý của các nhà văn, cảm thấy tác phẩm của mình không được coi trọng", ông Hàn nói.
Đại diện Trung tâm Bản quyền thừa nhận sơ suất là không thông báo với tác giả về việc bán tác phẩm cho Waka.
Không chỉ Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, có 189 tác phẩm của 189 nhà văn được VLCC xác nhận đã bán cho Waka với mức giá trọn gói là 50 triệu đồng trong một năm. Theo ông Đỗ Hàn, việc khai thác trên Waka bắt đầu từ đầu năm nay. Đến cuối năm, VLCC sẽ thống kê xem tác giả nào có lượng mua nhiều nhất để chi trả tiền bán sách tương ứng từ số 50 triệu đồng thu được trước đó. Số tiền Trung tâm Bản quyền thu về chia theo tỷ lệ 80% cho tác giả và 20% cho Trung tâm. Tác giả có sách được mua nhiều sẽ được trả nhiều tiền. Không ngoại trừ có tác giả trong số 189 nhà văn không có đồng nào nếu không ai đặt mua.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định việc bán trọn gói 189 tác phẩm với giá 50 triệu đồng sẽ khiến bất cập trong việc phân phối tiền bản quyền về sau. Theo ông, giả sử xảy ra chuyện độc giả chỉ mua sách của ông thì số tiền mang lại trong một năm cũng không đáng bao nhiêu. Trong khi tất cả tác giả bị mang sách đi bán hoàn toàn có quyền đòi quyền lợi của họ vì sách đã được bán trọn gói. Nếu chia bình quân cho 189 người trong một năm thì mỗi tác giả chỉ được hơn 200 nghìn tiền tác quyền cho sách. Theo ông Thọ, đó là một con số quá bèo bọt.
Vụ việc cho thấy giữa tác giả và Trung tâm bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam (VLCC) không có sự thống nhất.
Để giải tỏa thắc mắc, chiều 28/5, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đến gặp ông Đỗ Hàn và được cung cấp Hợp đồng ủy nhiệm ký kết với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Chủ tịch VLCC) ngày 10/3/2015, trong đó Nguyễn Văn Thọ trao cho VLCC quyền quản lý, khai thác và bảo hộ tác phẩm.
Lúc này, nhà văn mới "ngã ngửa" vì đã đặt bút ký vào một hợp đồng mà bản thân ông cũng không nắm rõ toàn bộ nội dung của nó. Bởi, ban đầu, tác giả tin tưởng Trung tâm Bản quyền Hội nhà văn Việt Nam sẽ là nơi bảo vệ quyền lợi tác phẩm của mình nên đã đặt bút ký ủy quyền chứ không nghĩ tác phẩm sẽ bị kinh doanh vô tội vạ. Văn bản ký kết cũng toàn ghi trách nhiệm của nhà văn mà không có quyền lợi trong việc giám sát tác phẩm bán ra lúc nào, cho ai và với giá thế nào", ông Thọ nói.
Ông Thọ thừa nhận bản thân "mù quáng, lơ ngơ, không hiểu văn bản là gì", không đọc kỹ những điều luật mà chỉ bằng cảm tính và sự tin tưởng để ủy quyền cho VLCC. Còn VLCC với tư cách bảo hộ tác phẩm đã không làm đúng chức năng là theo dõi, giám sát.
Tác giả Quyên cho biết ông sẽ yêu cầu sửa và có thể cắt hợp đồng với VLCC trong tuần này bởi cảm thấy không cần thiết với cơ chế như hiện nay. Về phía VLCC, ông Đỗ Hàn khẳng định tôn trọng quyết định của các tác giả, họ có thể ủy quyền một khía cạnh như bảo hộ hoặc không ủy quyền.
Những rắc rối trong bản quyền tác phẩm tồn tại trong nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, phim ảnh cho đến văn học. Ở một môi trường bản quyền chưa được nhận thức cao và chưa được tôn trọng như Việt Nam, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: "Nhà văn phải nghiên cứu thật kỹ trước khi đặt bút ký bởi trao tác phẩm là trao đứa con tinh thần, phải có ràng buộc để mình kiểm soát chứ không thể để họ 'mang con mình ra giữa chợ' tùy tiện như vậy".