Kinh tế Nga gần đây bắt đầu cảm nhận sức nóng từ loạt lệnh trừng phạt chưa từng có do Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt, khi GDP giảm trong hai quý liên tiếp. Về mặt kỹ thuật, kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái.
Ngoài hàng chục tỷ USD hỗ trợ về an ninh và kinh tế dành cho Ukraine, các biện pháp trừng phạt này được coi là đóng vai trò quan trọng trong bóp nghẹt nguồn lực của Nga để theo đuổi cuộc xung đột.
Trong hơn 80 năm qua, trừng phạt đã trở thành một công cụ cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ và liên tục được mở rộng, cải thiện để ứng phó với các mối đe dọa về an ninh, khủng bố. Gần đây, sự phát triển của hệ thống tài chính quốc tế, tiền điện tử và tài chính phi tập trung tạo ra nhiều thách thức, khiến Mỹ phải tìm cách nâng cấp chính sách trừng phạt.
Mùa xuân 2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen yêu cầu các cộng sự đánh giá toàn diện về chiến lược và cách thức thực thi lệnh trừng phạt của Mỹ. Tới tháng 10/2021, kết quả đánh giá cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ hiệu quả nhất khi phối hợp với các đồng minh và đối tác. Đánh giá cũng chỉ ra các biện pháp trừng phạt nên được gắn với chiến lược chính sách đối ngoại rõ ràng.
Chưa đầy một tháng sau khi kết thúc cuộc đánh giá, tình báo Mỹ phát hiện Nga bắt đầu đưa quân áp sát biên giới Ukraine. Trong các tuyên bố công khai và riêng tư, Tổng thống Joe Biden nhiều lần nói rõ rằng nếu Nga phát động chiến dịch quân sự, các biện pháp trừng phạt sẽ là trọng tâm trong phản ứng của Mỹ, theo Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo.
"Để đảm bảo Mỹ sẵn sàng ứng phó với kịch bản đó, Tổng thống giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Yellen phát triển chiến lược trừng phạt nhằm tối đa hóa thiệt hại với nền kinh tế Nga, trong khi giảm thiểu tác động mà Mỹ, đồng minh và đối tác, cũng như nền kinh tế toàn cầu phải gánh chịu", Thứ trưởng Adeyemo kể lại.
Ngày 24/2, Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ba ngày sau đó, Bộ trưởng Yellen ngồi trong phòng an toàn cùng một nhóm quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, thảo luận về loạt biện pháp kinh tế và tài chính bất thường chống lại Moskva.
Theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngân hàng Nga, hạn chế xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm và trừng phạt các tài phiệt cũng như giới tinh hoa nước này.
"Chúng tôi quyết định nhắm mục tiêu vào ba yếu tố chính của nền kinh tế Nga: hệ thống tài chính, giới tinh hoa và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng", ông Adeyemo chia sẻ.
Mỹ và đồng minh đã trừng phạt các tổ chức tài chính quan trọng của Nga, đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối ở nước ngoài của ngân hàng trung ương Nga, loại nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Washington thành lập nhóm chuyên trách về tài phiệt và giới tinh hoa Nga (REPO), với đại diện từ 8 quốc gia EU, để xác minh và tịch thu tài sản của các tỷ phú Nga tại nhiều nơi trên toàn thế giới.
Để nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp quốc phòng và chuỗi cung ứng quan trọng của Nga, "chúng tôi đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế khác, ngăn Nga nhập khẩu những thứ cần thiết cho cuộc chiến, buộc quân đội Nga phải chuyển sang sử dụng vũ khí lỗi thời và kém tin cậy hơn", theo Adeyemo.
Ngay từ đầu, Tổng thống Biden và Bộ trưởng Yellen coi phối hợp hành động đa phương là nền tảng cho phản ứng với Nga, dựa trên cam kết của chính quyền trong khôi phục các liên minh của Mỹ và niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Washington. Mỹ bắt đầu xây dựng liên minh trước khi xung đột nổ ra, tiếp cận nhiều đồng minh và đối tác để tham khảo ý kiến trong quá trình xem xét các lệnh trừng phạt.
Khi có thông tin tình báo về chiến dịch quân sự của Nga, Mỹ nhanh chóng chia sẻ với các đồng minh, đối tác ở châu Âu và đặt nền móng cho phản ứng thống nhất của phương Tây.
Chỉ trong 3 tuần kể từ khi xung đột bắt đầu, hơn 30 đối tác, trong đó có các thành viên Liên minh châu Âu, G7, Australia, Singapore và đảo Đài Loan, đã hợp sức cùng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có chống lại Nga.
Sự phối hợp này khiến Nga khó thoát khỏi ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Tính tới năm 2019, 87% giao dịch ngoại hối của Nga được thực hiện bằng USD. Trong khi đó, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, dẫn tới khả năng tác động mạnh mẽ.
Liên minh trừng phạt do Mỹ dẫn dắt cũng gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, những nhà sản xuất quan trọng hàng đầu thế giới về công nghệ tiên tiến. Ba đối tác cùng với Mỹ đã áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cắt đứt khả năng tiếp cận các mặt hàng nhập khẩu quan trọng của Nga như chất bán dẫn hay chip.
Washington và đồng minh, đối tác cũng đổi mới cách thực hiện chiến lược trừng phạt. Biện pháp đóng băng quỹ đầu tư quốc gia và dự trữ ngân hàng trung ương Nga đã có hiệu quả rất lớn. Trong 8 năm trước đó, Nga đã tích lũy khoảng 630 tỷ USD quỹ đầu tư quốc gia và dự trữ ngoại hối để bảo vệ nền kinh tế khỏi các lệnh trừng phạt tiềm tàng. Các hành động phối hợp của liên minh đã khiến Nga không thể tiếp cận phần lớn số tiền này.
Để đối phó với chiến dịch quân sự ngày càng leo thang của Nga, ông Biden muốn thực hiện các động thái trừng phạt quyết liệt hơn nữa để cắt nguồn lực tài chính của Moskva cho cuộc chiến. Đây là động lực để phương Tây theo đuổi cách tiếp cận mới nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu, thông qua áp trần giá dầu mà EU, G7 và Australia thực hiện hồi đầu tháng này.
Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và đồng minh đã cố xây dựng các biện pháp trừng phạt nhưng vẫn cho phép Nga xuất khẩu dầu, khí đốt ra thị trường toàn cầu, ngay cả khi Washington và một số nước cấm nhập khẩu mặt hàng này. Các chính phủ không muốn người tiêu dùng và doanh nghiệp phải chịu thêm áp lực về năng lượng, vốn đã bị tăng đáng kể vì xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa Nga sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận đáng kể từ năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ. Nga có thời điểm bán được dầu với giá hơn 100 USD/thùng. Trong mùa hè, dầu Nga được bán với giá cao hơn 60% so với năm trước, mang về doanh thu lớn hơn, dù khối lượng xuất khẩu giảm.
Chính sách vừa hạn chế doanh thu của Moskva, vừa cho phép dầu Nga tiếp cận thị trường là biện pháp nhiều thách thức, nhưng Mỹ và đồng minh đã giải quyết được vấn đề bằng chính sách áp trần giá dầu. Thay vì cắt hoàn toàn dầu Nga, trần giá dầu giúp tất cả các quốc gia nhập khẩu dầu và người tiêu dùng trên toàn cầu có thể hưởng lợi từ giá thấp.
Việc phá vỡ chuỗi cung ứng quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng đánh dấu thay đổi lớn trong chính sách trừng phạt của Mỹ. Washington vẫn tập trung vào mục tiêu chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng thay vì gây ra nỗi đau kinh tế sâu sắc, Mỹ và đồng minh đang khiến Nga dần dần suy giảm năng lực tác chiến trên chiến trường.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ ước tính các biện pháp trừng phạt, cấm xuất khẩu của Mỹ và đồng minh đã làm giảm khả năng của Nga trong thay thế hơn 6.000 khí tài quân sự, buộc các cơ sở công nghiệp quốc phòng quan trọng phải dừng sản xuất và gây thiếu hụt các thành phần quan trọng cho xe tăng, máy bay và tàu ngầm. Kết quả này có thể thấy trên chiến trường Ukraine, khi lực lượng Nga cạn kiệt nguồn cung vũ khí hiện đại và phải chuyển sang khí tài thời Liên Xô hoặc các lựa chọn thay thế khác.
"Các biện pháp này khi được kết hợp cùng nhau tạo thành chiến lược riêng biệt để ngăn Moskva tiếp cận nguồn thu mà họ cần cho cuộc chiến và cắt đứt nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế, cũng như làm suy giảm năng lực quân sự của Nga", Adeyemo cho hay.
Nga hiện phải đối mặt với kịch bản nền kinh tế suy thoái trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ tiếp theo. Các công ty nước ngoài đã đồng loạt rời Nga, trong khi các lĩnh vực sản xuất sẽ bị thu hẹp nghiêm trọng nếu tiếp tục không thể tiếp cận các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Nhiều chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Nga có thể sụt giảm 30-50% so với trước xung đột.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng thừa nhận Mỹ và đồng minh sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong cuộc chiến trừng phạt Nga. "Chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào việc buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì cuộc chiến và tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài", Adeyemo chia sẻ.
Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)