Hưởng ứng lời kêu gọi từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ba Lan muốn áp giá trần dầu Nga ở mức 30 USD/thùng, trong nỗ lực nhằm cắt giảm sâu nguồn thu của Điện Kremlin. Nhưng Mỹ và các thành viên G7 khác lại muốn đặt mức trần ở 60 USD/thùng nhằm đề phòng nguy cơ giá dầu toàn cầu tăng vọt.
Chỉ vài phút sau khi các đại diện Ba Lan tại Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu có thêm thời gian để xem xét đề xuất về mức trần 60 USD, các quan chức cấp cao Mỹ liên tục gọi điện cho Warsaw, trong một nỗ lực đàm phán để quyết định áp trần sớm được thông qua.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã điện đàm với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki vào Ngày Lễ Tạ ơn 24/11. Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cũng thường xuyên liên lạc với những người đồng cấp Ba Lan trong suốt quá trình đàm phán.
Đến ngày 1/12, bà Yellen lại họp ở Washington với Bjoern Seibert, phụ tá hàng đầu của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Trong lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục nêu vấn đề bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest.
Nỗ lực vận động hành lang đó đã phát huy hiệu quả. Ngày 2/12, Ba Lan đồng ý với kế hoạch, dọn đường cho Liên minh châu Âu (EU) và G7 áp trần giá dầu Nga từ ngày 5/12 ở mức 60 USD/thùng.
Điểm mấu chốt trong kế hoạch là tận dụng vị thế thống trị của châu Âu trong ngành bảo hiểm hàng hải, tài chính và vận chuyển dầu để kiểm soát cách Nga bán dầu thô trên khắp thế giới. Mỹ và đồng minh cấm các công ty châu Âu cung cấp những dịch vụ này trừ khi dầu được bán dưới 60 USD/thùng. Mục tiêu của họ là duy trì nguồn cung dầu Nga trên thị trường toàn cầu, nhưng đồng thời cũng hạn chế doanh thu từ năng lượng của Điện Kremlin.
Giá dầu thô Brent đã giảm xuống dưới 80 USD/thùng vào tuần trước. Dù vậy, sự ổn định trên thị trường dầu mỏ có được duy trì hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch ứng phó của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin với quyết định áp trần giá dầu.
Động thái áp giá trần, can thiệp vào thị trường dầu mỏ này khiến một số người tự hỏi liệu đây có phải là khuôn mẫu để phương Tây tác động đến giá nhiên liệu toàn cầu hay không.
"Một khi đã tạo ra đòn bẩy, sẽ có rất nhiều áp lực buộc bạn phải sử dụng nó", Simon Johnson, người từng là nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận xét.
Áp giá trần không phải lựa chọn đầu tiên của phương Tây nhằm giải quyết vấn đề dầu mỏ của Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Giới chức châu Âu ban đầu tính đến các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn, như đề xuất cấm nhập dầu Nga vào EU hồi tháng 6, đồng thời cắt dịch vụ bảo hiểm và tài chính đối với các chuyến hàng vận chuyển dầu mỏ Nga đến bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Nhưng những đề xuất này làm dấy lên lo ngại ở Washington. Các công ty bảo hiểm và ngân hàng ở châu Âu tham gia vào phần lớn hoạt động thương mại dầu mỏ trên biển của thế giới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen, người vận động cho phương án áp giá trần, lo lắng rằng việc cắt hoàn toàn những dịch vụ trên sẽ cắt toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ Nga khỏi thị trường toàn cầu.
Mỹ khuyến khích các đối tác châu Âu xem xét lại kế hoạch cấm vận dầu Nga và thay vào đó áp đặt thuế quan hoặc giá trần cho các giao dịch của họ. Một phân tích từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy khoảng 5 triệu thùng dầu Nga có thể bị loại khỏi thị trường mỗi ngày nếu lệnh cấm nhập khẩu được EU áp dụng, khiến giá dầu toàn cầu có nguy cơ tăng lên 150 USD/thùng.
Các quan chức châu Âu bày tỏ hoài nghi về ước tính này của Mỹ. Họ cho rằng việc tiếp tục nhập dầu từ Nga là "không thể chấp nhận được về mặt chính trị" và lo ngại lập trường của Mỹ sẽ khuyến khích những người hoài nghi về việc trừng phạt Nga như Thủ tướng Hungary Viktor Orban phản đối dữ dội hơn.
Bởi vậy, châu Âu vẫn xúc tiến lệnh cấm vận và đến đầu tháng 5 đồng ý ngừng nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển từ ngày 5/12. Trước sự cứng rắn của châu Âu, các quan chức Mỹ buộc phải chuyển chiến thuật sang tập trung vào tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính cho dầu Nga.
Cánh cửa mở ra với Mỹ sau cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 10/5 giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Italy khi đó là Mario Draghi. Ông Biden đã đề cập đến khả năng áp trần giá dầu Nga trong cuộc gặp và các quan chức Mỹ cũng nỗ lực thuyết phục thủ tướng Draghi ủng hộ kế hoạch này. Ông Draghi, một nhà kinh tế học có mối quan hệ thân cận với bà Yellen, trước đó đã thúc đẩy kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt tự nhiên Nga.
"Lúc đó chúng tôi tin rằng có thể thuyết phục người châu Âu với phương án này, vì ông Draghi thích giá trần khí đốt, chúng tôi có thể áp dụng ý tưởng đó vào dầu mỏ", một quan chức Mỹ tham gia cuộc họp cho biết.
Khoảng một tuần sau, bà Yellen đã thảo luận ý tưởng áp giá trần dầu mỏ dựa trên hạn chế dịch vụ bảo hiểm và tài chính với bà von der Leyen tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ. Sau khi ông Biden thuyết phục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về ý tưởng này trong cuộc gặp ở Đức hồi tháng 5, G7 đã cam kết xem xét phương án.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ, giới phân tích và tài chính lúc đó tỏ ra hoài nghi về biện pháp áp trần giá dầu. Trong các cuộc họp tại Bộ Tài chính Mỹ và trên toàn thế giới, các chuyên gia thị trường cảnh báo Nga sẽ từ chối bán dầu dưới mức trần, trong khi các chủ ngân hàng và công ty bảo hiểm cho biết họ sẽ gặp khó khăn với việc xác minh liệu một lô hàng dầu của Nga có được bán dưới mức trần hay không. Những hoài nghi như vậy khiến các quan chức Bộ Tài chính Mỹ giận dữ.
"Trong 30 năm làm cầu nối giữa thị trường thế giới và Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy vấn đề nào lại gây ra nhiều hoài nghi như vậy", Bob McNally, chủ tịch Rapidan Energy Group, cho hay.
Những nước mua dầu lớn của Nga như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý tham gia kế hoạch này. Đây là một thực tế mà các quan chức Mỹ nói rằng sẽ không ảnh hưởng tới triển vọng của phương án áp giá trần, song vẫn khiến giới chức châu Âu lo lắng.
Từ đầu mùa hè, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã xây dựng những mô hình đánh giá mức giá mà Nga được cho là vẫn sẽ duy trì dòng dầu của mình trên thị trường toàn cầu, với ước tính khoảng 60 USD/thùng. Họ hy vọng có thể thống nhất mức giá trần vào giữa tháng 10 hoặc đầu tháng 11, để thị trường có thời gian chuẩn bị cho kế hoạch bắt đầu vào ngày 5/12.
Nhưng kế hoạch đã bị đình trệ. Một số quan chức Nhà Trắng cảm thấy không yên tâm với kế hoạch này, lo lắng về nguy cơ bất ổn trên thị trường dầu mỏ. Họ hoãn các cuộc đàm phán về giá trần cho tới sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, một số nhân viên Bộ Tài chính thậm chí đã tính đến phương án trì hoãn áp dụng mức giá trần đến tháng 2/2023.
Cùng lúc, nhiều nước châu Âu cũng lo lắng ý tưởng của Washington sẽ không thể đáp ứng những gì họ coi là mục tiêu chính: Cắt giảm doanh thu năng lượng của Nga. Trong khi đó, Mỹ và các đối tác G7 lập luận rằng giá trần quá thấp có thể làm giảm đáng kể nguồn cung toàn cầu và đẩy giá tăng cao, giúp Điện Kremlin vẫn tiếp tục hưởng lợi nhuận lớn dù khối lượng bán thấp hơn.
Khi các cuộc đàm phán về mức giá trần đối với dầu mỏ Nga được khởi động vào ngày 23/11 tại Brussels, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic cho rằng giá trần 65-70 USD mà EC đưa ra cao hơn giá thị trường của dầu Nga và do đó không thể chấp nhận được.
Sau cuộc gọi với các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Estonia Annely Akkermann đã đồng ý với mức giá trần 65 USD/thùng, theo các nguồn thạo tin. Nhưng Bộ Tài chính Estonia lại không có quyền áp giá trần và các quan chức chính phủ nước này nhanh chóng nói rõ với Washington rằng họ sẽ không tham gia kế hoạch. Bà Yellen lập tức điện đàm với Thủ tướng Estonia để thuyết phục nước này.
Để cố gắng đạt được thỏa thuận, EC đã trình bày bản kế hoạch sửa đổi vào ngày 1/12. Theo thỏa thuận cuối cùng, giá trần dầu Nga sẽ được thiết lập ở 60 USD/thùng và sẽ được xem xét lại hai tháng một lần. EU cam kết sẽ giữ mức giá trần trong tương lai thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường của Nga.
"Mục tiêu quan trọng nhất là giảm nguồn thu cho ngân sách Nga", Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sados cho biết sau khi liên minh đạt được thỏa thuận vào ngày 2/12. "Bây giờ, chúng ta phải theo dõi cách hoạt động của hệ thống giá trần và xem liệu có phải thực hiện một số điều chỉnh giá hay không".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)