Đây là hai trong 88 dự án trọng điểm vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất UBND thành phố đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030.
Công trình nâng cấp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh dự kiến thực hiện trên đoạn dài khoảng 2 km, từ ngã tư Hàng Xanh tới chân cầu Bình Triệu (bao gồm cả một đoạn quốc lộ 13 qua bến xe Miền Đông). Mặt đường sẽ được mở rộng lên 30 m và xây nút giao Đài Liệt Sỹ theo phương án đảo vòng xoay kết hợp hầm chui. Dự án có tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng từ ngân sách.
Song song trục đường trên, tuyến Đinh Bộ Lĩnh cũng dự kiến được nâng cấp đoạn dài hơn 2 km từ nút giao Phạm Văn Đồng đến Điện Biên Phủ. Mặt đường sẽ mở rộng lên 25 m và xây mới cầu Bình Triệu quy mô 6 làn xe, tổng vốn khoảng 2.900 tỷ đồng.
Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh là hai trục đường huyết mạch kết nối khu Đông, cùng các tỉnh Bình Dương, Bình Phước vào trung tâm TP HCM, bến xe Miền Đông cũ. Hiện, hai tuyến này chỉ rộng hơn 10 m, ùn tắc triền miền, đặc biệt là giờ cao điểm mỗi ngày do mật độ xe quá lớn.
Việc đầu tư nâng cấp hai tuyến này ngoài giúp giảm tình trạng kẹt xe sẽ đồng bộ với dự án mở rộng quốc lộ 13, chuẩn bị được TP HCM triển khai theo hình thức BOT.
Ngoài hai trục đường trên, trong danh mục các dự án được Sở Giao thông Vận tải đề xuất ưu tiên thực hiện giai đoạn 2024-2030 còn một loạt công trình trọng điểm khác. Trong đó, thành phố sẽ tập trung thực hiện nhiều nhóm công trình lớn, bao gồm xây mới, mở rộng và làm đường kết tuyến cao tốc; nâng cấp và đầu tư 4 tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50B.
12 dự án nút giao và cầu lớn cũng dự kiến tập trung đầu tư trong giai đoạn trên, như: cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Cát Lái, Rạch Dơi, Rạch Tôm, Phú Xuân 2B; các nút giao: Bốn Xã, đường Rừng Sác, quốc lộ 50 - cao tốc Bến Lức - Long Thành... cũng được đề xuất đầu tư. Ngoài ra còn có 7 dự án thuộc Vành đai 2, 4; 9 công trình đường liên khu, 18 dự án đường thủy, 11 dự án bến bãi giao thông tĩnh...
Theo Sở Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn đầu tư theo danh mục các dự án trên cần hơn 272.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách chiếm phần nhiều, với gần 198.700 tỷ đồng (khoảng 73%), còn lại là vốn huy động từ bên ngoài thông qua các hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030, việc đầu tư các dự án được xác định theo mức độ ưu tiên, không làm dàn trải. Việc lập kế hoạch đầu tư các dự án nhằm đưa ra lộ trình thực hiện, bố trí ngân sách hay chủ động phương án kêu gọi vốn từ bên ngoài để sớm triển khai.
Gia Minh