"Sẽ có 8 tiêu chí đánh giá, tương ứng với từng thang điểm để xác định thứ tự ưu tiên đầu tư. Đây là một trong những nội dung xây dựng bộ khung lộ trình, danh mục các dự án đầu tư tại thành phố giai đoạn 2020-2030", lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết.
Nội dung này trước đó được đề cập chi tiết trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TP HCM giai đoạn 2020-2030 mà Sở Giao thông Vận tải trình UBND thành phố phê duyệt. Việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá nhằm có cơ sở đề xuất, lựa chọn các dự án trọng điểm, cần thiết ưu tiên đầu tư trước, tránh sử dụng dàn trải vốn.
Theo đó, các dự án giao thông sẽ được ưu tiên lựa chọn dựa trên 8 tiêu chí, gồm: kết nối đồng bộ giữa các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, đầu mối liên vùng (15 điểm); giải quyết điểm nghẽn kết nối khu vực cửa ngõ và đầu mối giao thông quan trọng (15 điểm); tác động lan tỏa, kích thích phát triển thành phố và vùng (15 điểm); hiệu quả kinh tế, xã hội dự án (15 điểm); khả năng huy động vốn và việc sử dụng nguồn (15 điểm).
Ngoài ra còn có các tiêu chí phù hợp định hướng phát triển không gian đô thị (10 điểm); khả năng đáp ứng các chỉ tiêu tăng mật độ giao thông, tỷ lệ đất giao thông (10 điểm); phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt (5 điểm).
"Tổng điểm của 8 tiêu chí là 100 và sau khi xếp loại sẽ theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp để thực hiện", lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho hay.
Hiện, thành phố ưu tiên đầu tư một số dự án như khép kín tuyến Vành đai 2 và các trục đường cửa ngõ, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), cảng Cát Lái (quận 2), Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Đây là những dự án cấp thiết giúp giảm kẹt xe kéo dài ở những nút giao thông quan trọng như Tân Sơn Nhất, Cát Lái.
Với sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tập trung dự án tuyến đường mới nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa được thiết kế 6 làn xe thay cho 4 làn. Cảng Cát Lái sẽ ưu tiên một số dự án như đường kết nối cảng Cát Lái đến Vành đai 2; nghiên cứu mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh; đường mới nối cảng Cát Lái - Phú Hữu...
5 năm tới, thành phố sẽ ưu tiên thực hiện 3 tuyến cao tốc: TP HCM - Mộc Bài (xây mới), TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố cùng việc đẩy nhanh khép kín các tuyến vành 3.
Giai đoạn này, thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thành các tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang thi công; Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và tuyến Metro Số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư 7 đường trục chính đô thị gồm đoạn ngã tư Bảy Hiền - Âu Cơ (Âu Cơ giao với Thoại Ngọc Hầu); đoạn từ nút giao Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong đến nút giao Vành đai trong - đường số 29; đoạn từ Kinh Dương Vương (khu vực đường Đỗ Năng Tế) đến Nguyễn Văn Linh; đường song song quốc lộ 50; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; cầu đường Nguyễn Khoái và cầu đường Bình Tiên... Kế đến là 5 công trình giao thông trọng điểm An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân, ngã tư Bốn Xã và nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, những dự án cần thiết, tác động và hiệu quả hơn cần phải được ưu tiên làm trước. Do đó thành phố cần xác định rõ cấp độ ưu tiên cho các dự án, nhất là nhóm dự án phục vụ cho thành phố và dự án kết nối vùng. "Bởi việc liên kết vùng, dự án sẽ có quy mô rất lớn, các bên cùng hưởng lợi nên phải có cơ chế phối hợp đồng bộ, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư mới đạt hiệu quả", ông Sơn nói.
Mới đây trong nghiên cứu các phương án kết nối liên vùng giữa TP HCM và Long An sau khi rà soát, hai bên thống nhất 23 tuyến kết nối giữa 2 địa phương, trong đó 7 tuyến quan trọng, cần ưu tiên. Đặc biệt là đề xuất kéo dài tuyến Võ Văn Kiệt từ TP HCM tới Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô ở huyện Đức Hòa, Long An.
"Tuyến đường khi kéo dài sẽ giảm tải cho trục chính Trần Văn Giàu - Tỉnh lộ 10 kết nối từ Bình Chánh qua Đức Hòa đang có mật độ xe đông và khó mở rộng", ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM nói và đánh giá việc kéo dài đường Võ Văn Kiệt tạo thuận lợi cho hàng hóa ở Long An tỏa đi cả nước qua TP HCM nên cần được ưu tiên.
Tại buổi giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở TP HCM mới đây, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ đánh giá nhiều công trình giao thông trọng điểm thời gian qua đưa vào khai thác có hiệu quả lớn, nhưng cũng không ít dự án kéo dài, chậm tiến độ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo bà Lệ, có khâu chuẩn bị chưa tốt, thiếu chặt chẽ, sự phối hợp thiếu chủ động giữa các bên. Việc đầu tư dàn trải, chưa xác định mức độ ưu tiên cũng như đánh giá tác động của các dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Hạ Giang