Thông tin được Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết ngày 6/1. Các điểm ùn tắc phát sinh gồm: ngã tư Hàng Xanh, nút giao Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp); nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình); giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, cùng khu vực Cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh).
Với 6 "điểm đen" kẹt xe mới, thành phố đang tồn tại 24 khu vực thường xuyên ùn tắc. Trong đó, một số điểm không chuyển biến suốt nhiều năm, như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Tất Thành (quận 4), giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), ngã tư Bốn Xã (Bình Tân)...

Kẹt xe ở ngã tư Hàng Xanh cuối năm 2022 - một trong điểm ùn tắc mới bùng phát trở lại ở TP HCM. Ảnh: Gia Minh
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải), cho biết trong các khu vực ùn tắc mới, một số khu vực trước đó từng là "điểm đen" đã được xóa, nay bùng phát trở lại. Nguyên nhân chính là lượng xe tăng nhanh, trong khi nhu cầu đi lại cao đột biến sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch, khiến nhiều tuyến đường quá tải.
Hiện, thành phố quản lý hơn 8,8 triệu phương tiện, trong đó gần 900.000 ôtô và khoảng 8 triệu xe máy, tăng gần 4% so với năm 2021; chưa tính xe vãng lai. "Nhiều trục đường chính ở thành phố đã bị vượt quá năng lực khai thác, chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra cũng có thể gây ùn tắc", ông Đường nói.
Về giải pháp kéo giảm ùn tắc, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết trong lúc chưa triển khai được các công trình lớn, trước mắt ngành giao thông sẽ cải tạo đường, khắc phục những bất cập về biển báo, hạ tầng giao thông tại các địa điểm trên. Thành phố ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát, để sớm giải quyết các tình huống mới phát sinh, không để kẹt xe kéo dài.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các bên liên quan đã lập kế hoạch điều tiết, phân luồng ở một số "điểm nóng" dễ xảy ra ùn tắc như cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, quanh bến xe cùng khu vực cửa ngõ... Trong đó, tổ phản ứng nhanh gồm nhiều đơn vị sẽ túc trực 24/24h, trao đổi công việc qua Viber, Facebook, Zalo... để chủ động xử lý sự cố phát sinh. Riêng khu sân bay, Sở Giao thông Vận tải đang đề xuất bố trí thêm một bãi xe cho taxi, ôtô công nghệ đậu miễn phí để ra vào đón khách trong một tháng cao điểm dịp Tết.
Thống kê đến cuối năm 2022, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP HCM chỉ 13,3%, kém khoảng 10% so với quy chuẩn. Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố hơn 4.700 km, mật độ 2,38 km trên một km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn... thấp hơn các thành phố tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore...
Gia Minh