"Tôi đã xem qua một số báo cáo. Nó có vẻ khá tốt", tiến sĩ Fauci nói trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 22/3, đề cập đến vaccine Sputnik V của Nga.
Hồi tháng 2, một báo cáo công bố trên tạp chí y học Anh The Lancet cho thấy vaccine Sputnik V của Nga hiệu quả 91%, ngăn ngừa được các ca lây nhiễm nghiêm trọng.
Trước đó, nhiều người lo ngại về tính an toàn của loại vaccine này, sau khi Nga phê chuẩn Sputnik V hồi tháng 8/2020 trước khi thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Tổng thống Vladimir Putin cho hay con gái ông đã tiêm vaccine dù nó mới thử nghiệm trên vài chục người.
Fauci khi đó tỏ ra hoài nghi về loại vaccine hai mũi tiêm của Nga. "Tôi hy vọng người Nga thực sự chứng minh được vaccine an toàn và hiệu quả", ông nói trong một cuộc phỏng vấn lúc đó.
Hồi tháng 1, Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ cho hay Văn phòng Các vấn đề Toàn cầu của họ đã tìm cách thuyết phục Brazil không cấp phép sử dụng Sputnik V, cáo buộc Moksva tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Mỹ nhằm "làm tổn hại an toàn và an ninh của Mỹ".
Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/3, Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho hay chưa có cơ hội để đánh giá vaccine của Trung Quốc nhưng "có thể nó cũng tốt".
"Nhưng tôi tin loại của Nga khá hiệu quả", ông nói.
Vaccine của Nga tương tự vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Cả hai đều sử dụng virus cúm vô hại (adenovirus) để đưa gene protein đột biến của nCoV vào cơ thể nhằm thúc đẩy phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, không giống vaccine của AstraZeneca, Sputnik V sử dụng andenovirus hơi khác cho mũi thứ hai.
Ưu điểm của Sputnik V là có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường thay vì điều kiện đông lạnh thấp hơn nhiều so với một số vaccine khác. Thủ tướng Đức Angela Merkel tháng trước cho biết Đức đã đề nghị hỗ trợ Nga phát triển Sputnik V, sau khi chính quyền Moskva cho biết họ đã nộp đơn đăng ký vaccine tại Liên minh châu Âu (EU).
Hồng Hạnh (Theo New York Post)