"Sau quá trình thảo luận thêm, chúng tôi hài lòng khi chính phủ Australia đồng ý với một số thay đổi và đảm bảo sẽ giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của chúng tôi trong các giao dịch thương mại, trong đó công nhận giá trị mà nền tảng của chúng tôi mang đến cho các nhà xuất bản tương quan với giá trị mà chúng tôi nhận được từ họ", Facebook thông báo ngày 23/2. "Dựa trên những thay đổi này, chúng tôi có thể tiến hành đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực báo chí và khôi phục nội dung tin tức cho người Australia trong những ngày tới".
Chính phủ của Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bổ sung một số thay đổi vào phút cuối cho bộ quy tắc đàm phán truyền thông của nước này. Bộ quy tắc được trình lên quốc hội từ tháng 12/2020 và dự kiến sớm được biểu quyết thành luật.
Dự luật, nếu được thông qua, sẽ buộc các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho các hãng truyền thông, các nhà xuất bản báo chí để liên kết nội dung của họ trên News Feed hoặc trong kết quả tìm kiếm.
Trong phần sửa đổi, chính phủ Australia sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại mà những nền tảng như Facebook và Google đã thực hiện với các hãng truyền thông trong nước trước khi quyết định có áp dụng luật lên họ hay không. Khi đưa ra quyết định cuối cùng, chính phủ cũng sẽ thông báo trước một tháng cho các nền tảng kỹ thuật số.
Quá trình này cũng sẽ bao gồm thời gian hòa giải 2 tháng giữa các nền tảng và nhà xuất bản. Việc giải quyết thông qua thủ tục trọng tài sẽ chỉ là phương án cuối cùng khi hai bên không thể thương lượng.
Điều khoản trọng tài cũng là một trong những điểm chính mà Facebook gay gắt phản đối. Trong dự luật, nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận thương mại, các trọng tài do chính phủ chỉ định có thể chọn mức giá có lợi cho một trong hai bên - nền tảng kỹ thuật số hoặc nhà xuất bản. Trong bản sửa đổi, điều khoản này được làm rõ hơn, tạo động lực cho các bên tham gia vào cuộc đàm phán.
Cả Google và Facebook đã cùng đấu tranh phản đối dự luật truyền thông của Australia từ giữa năm ngoái. Google từng đe dọa xóa dịch vụ tìm kiếm của mình khỏi nước này. Nhưng kể từ đó, họ tỏ ra cầu thị và đã đạt được thỏa thuận với một số nhà xuất bản địa phương, trong đó có tập đoàn truyền thông News Corp.
Ngược lại, ngày 18/2, Facebook bất ngờ chặn hiển thị mọi nội dung tin tức từ Australia. Thủ tướng Scott Morrison coi hành động "hủy kết bạn của Facebook là sự ngạo mạn và đáng thất vọng". Trong khi đó, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết đã liên hệ với CEO Facebook Mark Zuckerberg để cùng giải quyết các khúc mắc liên quan tới dự luật.
Châu An