The Conversation, trang tin chuyên đăng các bài bình luận của giới học giả, cho biết đã đề nghị Facebook khởi động đối thoại theo luật mới của Australia, trong đó, đòi hỏi các công ty mạng xã hội và Google đàm phán thỏa thuận cung cấp nội dung với giới truyền thông.
Tuy nhiên, Facebook đã từ chối mà không đưa ra lý do, bất chấp The Conversation là một trong những hãng phát hành đầu tiên ở Australia đạt thỏa thuận tương tự với Google hồi năm 2020, trước khi bộ luật mới được đưa vào thực thi.
Đây có thể sẽ là phép thử đầu tiên với cơ chế kiểm soát gây tranh cãi của Australia nhằm thu lại một phần chi phí quảng cáo từ Google và Facebook. Nếu các hãng này từ chối thỏa thuận phí bản quyền nội dung với các bên phát hành, một trọng tài do chính phủ chỉ định sẽ can thiệp.
"Công ty đang tập trung vào hoàn tất các thỏa thuận thương mại với hàng loạt nhà xuất bản Australia", Andrew Hunter, phụ trách quan hệ báo chí của Facebook ở Australia, cho hay.
Đại diện Facebook không trả lời câu hỏi về thông tin do The Conversation đưa ra, nhưng khẳng định tập đoàn đang chuẩn bị một sáng kiến riêng nhằm "hỗ trợ các cơ quan báo chí truyền thống và kỹ thuật số của Australia trong những tháng tới".
"Nếu Google đã đạt thỏa thuận của họ, tôi không thấy lý do gì để Facebook từ chối. Vấn đề chỉ định trọng tài có thể được tính tới", Rod Sims, chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC), cho biết.
Theo luật mới của Australia, quyết định chỉ định trọng tài can thiệp vào một doanh nghiệp Big Tech sẽ được đưa ra bởi Bộ trưởng Tài chính với sự tham vấn của ACCC. "Câu trả lời 'không' với một tổ chức xứng đáng nhận được thỏa thuận là điều chúng tôi sẽ xem xét. The Conversation chính là điều chúng tôi đang nghĩ đến", chủ tịch ACCC nói thêm.
Chính phủ nhiều nước đang áp dụng những đạo luật mới để buộc các hãng công nghệ bù đắp tài chính cho những hãng truyền thông có tin tức xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, Australia là nước duy nhất đặt ra mức phí phạt nếu thỏa thuận thất bại, một trong những yếu tố khiến Facebook chặn các trang tin tức ở nước này trước khi đạo luật được phê duyệt.
Từ khi đạo luật có hiệu lực, nhiều hãng truyền thông lớn nhất Australia như News Corp và ABC đã đạt thỏa thuận với các tập đoàn công nghệ. Dù vậy, những nhà xuất bản nhỏ và độc lập, vốn thu hút 80% trong dân số 25 triệu người Australia đến Facebook, cho rằng đạo luật đã phân tách ngành công nghiệp khi các công ty lớn có thỏa thuận, còn doanh nghiệp nhỏ bị bỏ qua.
Nelson Yap, biên tập viên tờ Australian Property Journal, cho biết đang đàm phán với Google nhưng không nhận được hồi đáp từ Facebook, dù đã hai lần gửi email cho hãng này.
"Tôi đọc thông cáo của Facebook về việc họ đang đàm phán với các nhà xuất bản. Họ đang đàm phán với ai? Không phải với chúng tôi. Chúng tôi chủ động liên lạc nhưng không được hồi đáp. Giờ tất cả đều bối rối và phải tìm bước đi tiếp theo", ông nói.
"Rõ ràng là chúng tôi thất vọng khi chưa thể đàm phán với Facebook, nhưng vẫn lạc quan rằng hai bên sẽ đi đến thống nhất", Misha Ketchell, biên tập viên của The Conversation, cho hay.
Chủ tịch ACCC nói rằng quy trình thỏa thuận yên ắng hơn nhiều so với dự đoán, nhưng kêu gọi các hãng xuất bản nhỏ kiên nhẫn. "Tôi lo ngại khi nhiều bên chưa nhận được hồi đáp, nhưng tôi thấy điều này từng xảy ra và mọi thứ đã thay đổi", ông nói.
Điệp Anh (Theo Reuters)