Bộ quy tắc đã được trình lên Quốc hội từ tháng 12/2020 và chính thức được biểu quyết thành luật ngày 25/2 sau khi Facebook và Google - mục tiêu chính của luật - đạt được thỏa thuận để điều chỉnh một số điều khoản.
Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg và Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher cho biết luật, mang tên Bộ luật đàm phán bắt buộc giữa Truyền thông tin tức và Nền tảng kỹ thuật số, sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp tin tức ở Australia "được trả thù lao công bằng cho những nội dung họ tạo ra, giúp duy trì hoạt động báo chí được công chúng quan tâm".
Một số nước cũng đã yêu cầu những nền tảng công nghệ phải thương lượng với các công ty truyền thông trong việc trả phí cho những nội dung thu hút lưu lượng truy cập và doanh thu quảng cáo đến nền tảng của họ. Trong khi đó, bộ luật mới đưa Australia trở thành quốc gia đầu tiên mà trọng tài chính phủ sẽ đặt ra mức phí các gã khổng lồ công nghệ phải trả nếu quá trình đàm phán với các công ty truyền thông thất bại.
Bộ quy tắc của Australia, được xây dựng sau gần ba năm phân tích và tham vấn cộng đồng, có thể thúc đẩy một số quốc gia như Anh, Pháp và Canada trong việc hoạch định các luật tương tự. Cả hai ông Frydenberg và Fletcher cho biết chính phủ rất vui khi thấy "sự tiến triển của Google và gần đây là Facebook" trong quá trình đàm phán với các phương tiện truyền thông tin tức nước này.
Trước đó, ngày 18/2, nhằm phản đối dự luật, Facebook bất ngờ chặn hiển thị mọi nội dung tin tức của Australia trên nền tảng của mình. Hãng lập luận rằng họ không ăn cắp nội dung tin tức, chính các nhà xuất bản chọn chia sẻ câu chuyện của họ trên Facebook. Trong khi đó, các nhà quản lý Australia cho rằng bộ luật là cần thiết để "san bằng sân chơi, tạo ra một môi trường truyền thông bền vững".
Đến ngày 23/2, Facebook thông báo sẽ gỡ bỏ "lệnh cấm" sau khi chính phủ nước này nhượng bộ, đồng ý thay đổi một số điều khoản trong bộ quy tắc và "đảm bảo giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của chúng tôi trong giao dịch thương mại, trong đó công nhận giá trị mà nền tảng của chúng tôi mang đến cho các nhà xuất bản tin tức tương quan với giá trị mà chúng tôi nhận được từ họ".
Một nhượng bộ quan trọng là chính phủ Australia sẽ tính đến các giao dịch thương mại mà Google và Facebook đã đạt được với các hãng tin tức trước khi quyết định có áp dụng luật lên họ hay không, đồng thời cũng sẽ thông báo cho họ trước một tháng. Các nền tảng cũng có nhiều thời gian hơn để đàm phán với các nhà xuất bản truyền thông trước khi bị buộc phải sử dụng phương án trọng tài.
Trong tháng 2, Google đã sớm ký thỏa thuận thương mại với các hãng tin lớn ở Australia như News Corp, Seven West và Nine. Facebook cũng đang tiến hành các bước đi tương tự để tránh phải giải quyết bất đồng qua trọng tài do chính phủ chỉ định - bên có thể chọn mức giá có lợi cho nền tảng kỹ thuật số hoặc nhà xuất bản.
Châu An