Liu Jingzhen, chủ tịch hãng đưa ra thông báo này hôm 18/8.
Các chuyên gia cho biết, vaccine sẽ miễn phí đối với một số đối tượng nhất định như nhân viên y tế. Các nhóm khác phải tự chi trả. Kể từ cuối tháng 7, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp sản phẩm cho một số y bác sĩ và bệnh viện quốc doanh trong trường hợp khẩn cấp.
Mức giá Sinopharm đưa ra tạo nên cuộc thảo luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát ở Weibo (mạng xã hội tương tự Facebook), hơn 2.500 trong số 5.000 người được hỏi cho hay họ không đủ tiền mua vaccine. Số còn lại nói rằng họ đủ điều kiện tài chính để tiêm chủng.
Tao Lina, một chuyên gia về vaccine tại Thượng Hải, nhận định việc thu phí chủng ngừa là điều có thể chấp nhận, bởi dịch bệnh ở Trung Quốc đang được kiểm soát tốt. Ông nói: "Chính quyền quốc gia có thể ban hành những biện pháp khác nếu xảy ra đợt bùng phát mới. Các công ty nhà nước cũng có thể trả tiền cho nhân viên tiêm phòng".
Trước đó, một số nhân viên doanh nghiệp nhà nước đã được cung cấp vaccine của Sinopharm để sử dụng khẩn cấp nếu phải công tác quốc tế.
Người dân Trung Quốc cũng có thể được miễn phí nếu vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm 14 mũi tiêm chống 15 bệnh, như bại liệt và viêm gan B.
Ông Liu cho biết không phải tất cả 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đều phải tiêm vaccine. Sinh viên và những người làm việc ở các đô thị đông đúc nên chủng ngừa, song người sống tại vùng nông thôn, dân cư thưa thớt có thể lựa chọn không tiêm phòng.
Vaccine của Sinopharm được phát triển dựa trên virus bất hoạt. Khi tiêm vào cơ thể, chúng sẽ kích thích các tế bào miễn dịch sản sinh kháng thể. Để điều chế, các nhà khoa học phải nuôi cấy một lượng lớn virus. Công nghệ từng sử dụng cho vaccine bệnh cúm. Virus bất hoạt nuôi cấy trong trứng gà.
Hai "ứng viên" đến từ Sinopharm được phát triển riêng biệt ở Bắc Kinh và Vũ Hán, đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Liu, chủ tịch hãng, cũng tình nguyện tiêm thử vaccine. Đến nay, ông báo cáo chưa thấy bất cứ tác dụng phụ nào.
Mới đây, Bắc Kinh đã xây dựng xong một nhà máy sản xuất với năng lực cung cấp 120 triệu liều tiêm mỗi năm, vượt qua vòng kiểm định an toàn sinh học của các cơ quan và sẵn sàng đi vào hoạt động.
Trung Quốc cũng vừa cấp phép bản quyền loại vaccine khác, đến từ hãng dược CanSino, sau khi thử nghiệm giai đoạn hai chứng minh độ an toàn và hiệu quả.
Thục Linh (Theo Global Times)