Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), hôm 25/5 cho rằng Covid-19 có thể là một bước ngoặt khiến châu Âu đứng trước áp lực "chọn phe" ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. EU tỏ ra miễn cưỡng ủng hộ chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhưng họ cũng không hài lòng với cách Bắc Kinh xử lý đại dịch, chính sách với Hong Kong, cũng như thiếu sự "có đi có lại" trong quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, Brussels không cho rằng đây là thời điểm thích hợp để "chiến tranh lạnh" với Trung Quốc, bất chấp nhiều cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin đại dịch, truyền bá thông tin sai lệch hay chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" gây tranh cãi.
Kết luận này được đưa ra dựa trên đánh giá về các ưu tiên hiện tại của EU, gồm phục hồi hậu Covid-19 cả về chiến lược và kinh tế, có vai trò quan trọng hơn về địa chính trị toàn cầu, củng cố nền kinh tế của khối và dẫn dắt nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Brussels tìm thấy sự đồng thuận rộng rãi rằng tăng cường quan hệ với Bắc Kinh góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu này, theo Luke McGee, nhà phân tích của CNN.
Giới chức EU tin rằng thế giới cần sự tham gia của Trung Quốc nếu muốn hiểu rõ về nCoV và có được bài học đúng đắn về đại dịch. Sự giàu có và sẵn sàng đầu tư của Trung Quốc có thể mang tới triển vọng hấp dẫn đối với các nền kinh tế khó khăn của EU. Nếu muốn kiểm soát biến đổi khí hậu, nơi tốt nhất để bắt đầu là Trung Quốc, quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, lãnh đạo khối tin rằng nếu có thể khéo léo duy trì mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, châu Âu có thể tự tạo ra vai trò đặc biệt trên vũ đài chính trị quốc tế, đồng thời có thể tự chủ về ngoại giao hơn với Washington.
Tuy nhiên, đại dịch cũng khiến châu Âu nhận ra nhiều vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc mà họ đã bỏ qua, như việc giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, gián điệp kinh tế hay đe dọa quyền tự chủ của Hong Kong.
"Đại dịch là lời cảnh tỉnh cho nhiều thành viên của khối đang mộng du về hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc vào tháng 9", Steven Blockmans, người đứng đầu về chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu, nhận định. "Che giấu thông tin dịch và tung tin sai lệch đã khiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu vì thiếu độ tin cậy mà một đối tác của châu Âu cần có".
Châu Âu đang ở thế khó. Một mặt, EU cần giữ quan hệ với Trung Quốc, nhưng mặt khác, khối cần phải thừa nhận rõ ràng rằng Bắc Kinh là đối thủ có hệ thống không thể hoàn toàn tin tưởng. "Chúng tôi có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Đây vừa là đối tác, vừa là đối thủ", một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho hay.
Châu Âu và Trung Quốc đã trở nên gần gũi hơn trong ba thập kỷ qua, khi cả hai bên đều thấy sức hút về tiềm năng kinh tế của nhau. Khi Bắc Kinh có thể hồi phục sau đại dịch, tiền của Trung Quốc càng có sức hấp dẫn với nhiều nền kinh tế châu Âu. Dù việc hợp tác với Bắc Kinh luôn đi kèm với rủi ro và bất đồng về nhiều vấn đề, châu Âu xem điều họ nhận lại hoàn toàn xứng đáng.
Dù coi mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc là lợi thế ngoại giao, EU có thể làm phức tạp nhiều vấn đề với hai đồng minh thân cận nhất: Anh và Mỹ.
Năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thống nhất cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc xây dựng 35% cơ sở hạ tầng 5G của Anh, bất chấp áp lực từ phía Mỹ. Thời điểm đó, tranh cãi đã nổ ra về việc liệu điều này có khiến người Anh bị ảnh hưởng bởi hoạt động gián điệp của Trung Quốc hay không.
"Từ quan điểm của Anh, 5G không còn là vấn đề đơn thuần về quản lý rủi ro, mà đã trở thành một phần của cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn hơn", Malcolm Rifkind, cựu ngoại trưởng Anh, cho hay.
Ông tin rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc "sẽ đe dọa bất kỳ quốc gia nào không đồng thuận với quan điểm về cách hành xử của họ".
Quyết định về Huawei đang được London xem xét lại và có vẻ theo hướng "không tốt" với công ty này, theo một quan chức cấp cao Anh. London cũng có động thái cứng rắn để đáp trả việc Trung Quốc sắp áp luật an ninh Hong Kong bằng tuyên bố sẵn sàng mở đường cho hàng triệu người Hong Kong trở thành công dân Anh.
Sự thay đổi quan điểm của London được xem là chiến thắng lớn đối với phe diều hâu ở Washington, nhóm thường gây áp lực để chính phủ có các biện pháp mạnh tay với Bắc Kinh từ năm 2016. Với thay đổi của Anh, Mỹ sẽ càng có động lực cứng rắn hơn với Trung Quốc.
"EU rất khó có thể làm ngơ trước những lời kêu gọi trừng phạt và 'quay lưng' với Trung Quốc của Mỹ. Các chính phủ châu Âu đang cố gắng kéo dài thời gian cho tới khi bầu cử Mỹ kết thúc. Nhưng nếu chính quyền kế nhiệm tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt như cách chính quyền Trump đã làm với Iran, EU sẽ phải tìm cách mới để bảo vệ sự tự chủ về vấn đề quốc tế", Blockmans nói.
Quyền tự chủ này vô cùng quan trọng với EU. "EU rõ ràng không sẵn lòng trở thành công cụ ngoại giao của Mỹ và sẽ tìm cách riêng để giải quyết vấn đề Trung Quốc", nhà ngoại giao EU nói thêm.
Tuy nhiên, Blockmans cũng thừa nhận Brussels không thể hành động một cách "ngây thơ" như thời kỳ hậu khủng hoảng khu vực đồng euro, khi nhiều nền kinh tế châu Âu hoan nghênh Trung Quốc đầu tư và mua lại các công ty phá sản. Châu Âu khi đó đã "mở cửa thị trường của mình mà không có đảm bảo về an ninh", theo Blockmans.
"Tôi nghĩ Covid-19 có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn quan điểm chung của châu Âu về Trung Quốc. Những động thái của Bắc Kinh trong thời điểm khủng hoảng đã khiến châu Âu nhận ra tham vọng gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ của Trung Quốc. Khi vấn đề này trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận quốc gia, người châu Âu có thể hiểu rõ hơn về Trung Quốc", Lucrezia Poggetti, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, cho hay.
Nhiều quan chức EU cũng từng thừa nhận rằng thấy hối tiếc vì không cứng rắn với Trung Quốc. "Chúng tôi là thị trường số một trên thế giới và phải xem nó như đòn bẩy khi làm ăn với Bắc Kinh", một nhà ngoại giao EU cho hay.
"EU nên mở rộng chiến lược toàn cầu, đồng thời sử dụng luật pháp của EU và quốc tế khôn khéo hơn, nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các mục tiêu an ninh của khối đối với cả Mỹ và Trung Quốc", Blockmans cho hay.
Tất cả thành viên EU đều đồng thuận rằng mối quan hệ với Trung Quốc hiện tại là cần thiết, nhưng cũng cần cảnh giác hơn với thực tế Bắc Kinh là một đối thủ mang tính hệ thống.
"Cuộc chiến đổ lỗi hậu Covid-19 cho thấy Trung Quốc có thể khiến một số quốc gia thành viên có quan điểm diều hâu hơn, trong khi kế hoạch quảng bá hình ảnh của Bắc Kinh đạt hiệu quả ở nhiều quốc gia không ủng hộ EU", Luke McGee nhận định.
Bắc Kinh từ lâu cho thấy họ rất giỏi trong việc lựa chọn quốc gia thiện cảm với mình, chủ yếu là các nước Đông Âu có nền kinh tế kém phát triển hơn và các chính phủ theo chủ nghĩa dân túy như Italy và Áo.
"Nếu quan điểm giữa các nước thành viên trở nên chia rẽ hơn trong vài tháng tới, các lãnh đạo EU có thể cần phải dừng theo đuổi tham vọng của họ trong một thời gian", McGee nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)