Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch củng cố hệ thống phòng vệ chống lại các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ trong nỗ lực của khối nhằm vừa làm giảm những ảnh hưởng từ Trung Quốc và Mỹ vừa bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/6 đưa ra các lựa chọn để khắc phục cái mà họ gọi là những biến dạng thị trường xuất phát từ các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp. Đề xuất nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài nhận trợ cấp nhà nước dưới mọi hình thức được mua lại các công ty châu Âu hay cạnh tranh với họ cho một số loại hợp đồng trong khối EU.
Giới quan sát cho rằng động thái này chủ yếu nhắm vào các công ty nhà nước Trung Quốc, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng tới những đối thủ đến từ Mỹ.
Các biện pháp hạn chế được đề xuất sau khi một số nước châu Âu, gồm Pháp, Đức, Italy, thắt chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ các công ty trong nước rơi vào tay nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc. Những đề xuất này phù hợp với sự thay đổi thái độ của EU đối với Trung Quốc trong một năm qua, khi khối bắt đầu coi Bắc Kinh là một đối thủ kinh tế, chính trị.
"Chúng ta cần những công cụ phù hợp để đảm bảo rằng các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp không làm méo mó thị trường của mình", Phó chủ tịch EC Margrethe Vestager phụ trách về cạnh tranh và chính sách số, nói. "Không phải vì châu Âu không có viện trợ từ nhà nước mà là vì chúng ta có sự minh bạch và cơ chế kiểm soát các nguồn trợ cấp. Đối với các công ty nước ngoài, chúng ta không thể kiểm soát".
Covid-19 đã phơi bày một thực tế là châu Âu bị phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong lĩnh vực y tế. Đại dịch khiến nhiều nước phải giành giật lẫn nhau khẩu trang cùng những trang thiết bị, vật tư y tế khác, thậm chí thực hiện động thái chưa từng có tiền lệ là cấm xuất khẩu vật tư y tế sang những quốc gia châu Âu khác nhằm giữ nguồn dự trữ cho các bệnh viện của mình.
Thực tế đó khiến giới chức châu Âu phải suy nghĩ lại về chính sách đầu tư. "Tạo ra một sân chơi bình đẳng là trọng tâm của sáng kiến này và nó sẽ giúp các công ty của chúng ta cạnh tranh trên toàn cầu", Thierry Breton, ủy viên thị trường nội bộ EU, cho hay.
EC hôm 15/6 thực hiện bước đi chưa từng có là áp thuế trừng phạt với các nhà xuất khẩu Trung Quốc đặt trụ sở bên ngoài đại lục. Hai công ty Trung Quốc đặt tại Ai Cập chuyên sản xuất sợi thủy tinh là China Jushi Co. Ltd. và Zhejiang Hengshi Fiberglass Fabrics Co. Ltd. bị phát hiện đã nhận trợ cấp từ chính phủ, giúp họ đánh bại các đối thủ châu Âu trên thị trường.
Giới chức EU khẳng định những công cụ mới không nhắm vào bất kỳ quốc gia hay công ty nào. Họ sẽ xem xét kỹ lưỡng những khoản hỗ trợ mà Trung Quốc cấp cho các công ty của mình, tương tự những khoản hỗ trợ tài chính, ví dụ như bảo lãnh cho vay, mà các công ty Mỹ được hưởng.
Chính phủ Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng những biện pháp mới của EU sẽ "không tạo ra những rào cản thương mại mới liên quan đến các khoản hỗ trợ", một phát ngôn viên của Phái bộ Trung Quốc ở châu Âu nói. "Ở vào thời điểm đặc biệt như hiện nay, khi các quốc gia đều chung sức chống lại Covid-19, EU cần tránh gửi đi những tín hiệu tiêu cực ra thế giới bên ngoài".
Theo các đề xuất mới, EC dự kiến hợp tác với những cơ quan phụ trách về cạnh tranh của các quốc gia trong khối nhằm đánh giá, phân tích những công ty nước ngoài có khả năng nhận trợ cấp nhà nước để đánh bại các đối thủ ở châu Âu. Nếu phát hiện ra tình trạng thị trường bị bóp méo, các công ty có thể bị yêu cầu hoàn trả những khoản trợ cấp, bán tài sản hoặc cho phép các đối thủ châu Âu tiếp cận những công nghệ được cấp phép. Cả chính quyền những quốc gia thành viên lẫn EC đều có quyền yêu cầu các công ty cung cấp tài liệu hoặc phạt các công ty không tuân thủ.
Vai trò của trợ cấp nhà nước đối với hoạt động mua bán, sáp nhập công ty cũng bị giám sát chặt chẽ hơn. Điều này có thể gây khó khăn cho các công ty nước ngoài khi mua tài sản của châu Âu vì nó sẽ bổ sung thêm một lớp xác minh, đánh giá.
Những đề xuất mới nhấn mạnh rằng bất kỳ công ty nào nhận trợ cấp từ chính phủ bên ngoài EU trong ba năm trước khi tiến hành thủ tục mua lại sẽ phải thông báo cho EC. Ủy ban sau đó sẽ quyết định liệu giao dịch có được thực hiện không hay cần bổ sung điều kiện nào không. Yêu cầu này áp dụng cho những giao dịch trên 100 triệu euro (112 triệu USD).
Yêu cầu tăng cường kiểm tra cũng sẽ được áp dụng với hoạt động mua sắm công. Ủy ban muốn "lấp đầy khoảng trống về quy định" đang giúp các công ty nước ngoài được nhà nước hỗ trợ có mức bỏ thầu thấp hơn, qua đó giành chiến thắng trước các đối thủ châu Âu.
Một quan chức EU cho biết hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào năm 2018 khi tập đoàn nhà nước China Road and Bridge giành được hợp đồng do EU cấp vốn, xây dựng một cây cầu trị giá 500 triệu USD ở Croatia. Các nhà thầu EU đã đệ đơn kiện nhưng không thành công.
"Chúng tôi đang cố ngăn điều này lặp lại", quan chức EU nói. Theo đề xuất mới, cơ quan quản lý của các quốc gia châu Âu có quyền cấm các công ty được trợ cấp quá mức tham gia những cuộc đấu thầu trong một khoảng thời gian nhất định.
Những đề xuất mới vẫn cần chính phủ các quốc gia thành viên EU phê duyệt nhưng một số nước như Pháp, Đức, Ba Lan, Italy những tuần gần đây đã nêu các ý tưởng tương tự.
Nhiều nước hoan nghênh đề xuất nhưng kêu gọi phải quyết liệt hơn nữa. Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Mona Keijzer cho biết bà vẫn nhìn thấy những khía cạnh có thể cải thiện, "chẳng hạn giám sát chặt chẽ và sâu rộng hơn đối với các công ty có vị thế lấn át, không bị kiểm soát trong chính thị trường quê nhà của họ".
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)