"Trung Quốc, bạn của tôi, biết nói thế nào cho lịch sự? Chắc là ... cút ngay khỏi đây!", Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 3/5 đăng trên Twitter.
"Các người đang làm gì với tình hữu nghị giữa chúng ta vậy. Chính các người. Không phải chúng tôi. Chúng tôi đang cố gắng", ông phản ứng dữ dội trước những động thái hung hăng thời gian qua bởi các tàu Trung Quốc đang hiện diện trên Biển Đông.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc "bám đuôi, chặn đường, di chuyển nguy hiểm và phát vô tuyến thách thức tàu tuần duyên Philippines" trên vùng biển khu vực. Một ngày trước đó, Manila khẳng định tiếp tục tổ chức các hoạt động diễn tập trên Biển Đông đáp trả cảnh cáo "dừng leo thang" từ Bắc Kinh.
Theo Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu quốc tế RAND, cơn giận của Ngoại trưởng Locsin "là chỉ dấu mới nhất cho thấy việc Bắc Kinh ngày càng hung hăng buộc Manila phải hành động". Từ khi nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte nhiều lần công khai mong muốn xoay trục quan hệ Philippines từ Mỹ sang Trung Quốc, hoan nghênh đầu tư từ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đồng thời đe dọa ngưng tập trận chung với Mỹ, nhưng thách thức thời gian qua trên Biển Đông đã vượt ngưỡng chịu đựng.
"Duterte giờ đây nhận ra Trung Quốc không phải bạn và Philippines cuối cùng vẫn cần đồng minh an ninh lâu bền là Mỹ. Nhận thức của Duterte sẽ dẫn đến những hàm ý địa chiến lược quan trọng từ thời điểm này đến cuối nhiệm kỳ vào tháng 6/2022", Grossman đánh giá.
Cũng chính Ngoại trưởng Locsin là người gửi đi thông điệp đầu tiên báo hiệu Manila thay đổi thái độ với Mỹ. Gần 4 tháng sau khi Tổng thống Duterte khởi động quá trình hủy Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) với quân đội Mỹ, Locsin vào tháng 6/2020 nhấn mạnh Philippines cần duy trì VFA vì "tình hình đại dịch và căng thẳng siêu cường gia tăng". Một tháng sau phát biểu trên, lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Duterte,Bộ Ngoại giao Philippines công khai công nhận phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông.
Trong bài phát biểu ngày 23/9/2020 trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Duterte cũng thể hiện thay đổi lập trường khi trực tiếp đề cập tranh chấp Biển Đông. Ông nhấn mạnh phán quyết năm 2016 là "không thể thỏa hiệp" và kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực hạ thấp ý nghĩa phán quyết. Theo Grossman, đây là "đòn thách thức trực diện nhất" nhắm vào Bắc Kinh từ lãnh đạo Philippines, chứng tỏ "lập trường chống Trung Quốc" đang ngày một quyết liệt.
Sau những tín hiệu trên, Manila dần chuyển hướng trở lại quỹ đạo của Washington.
Ngày 10/11/2020, Ngoại trưởng Locsin viện dẫn bối cảnh cạnh tranh cường quốc trên Biển Đông để hoãn hủy VFA. Ông nhấn mạnh "sự rõ ràng và sức mạnh" trong quan hệ đồng minh truyền thống, ám chỉ Manila đang tin tưởng Washington nhiều hơn Bắc Kinh. Locsin còn lạc quan về triển vọng "các bên tìm được một thỏa thuận tốt hơn, cùng có lợi, hiệu quả và dài lâu". Gần ba tháng sau, khi đến thăm căn cứ không quân Clark, Tổng thống Duterte tiếp tục công khai ủng hộ quân đội Mỹ duy trì hiện diện "vì tính cấp thiết của thời cuộc".
"Bắc Kinh chỉ biết tự trách mình nếu vuột mất cơ hội kéo Philippines khỏi quỹ đạo của Mỹ. Kiểu hành xử hung hăng trên Biển Đông khiến Duterte khó có thể thúc đẩy đường lối ủng hộ Trung Quốc và bài xích Mỹ", Grossman phân tích.
Từ đầu năm 2019 đến đầu năm 2020, tàu Trung Quốc liên tục bao vây đảo Thị Tứ, có lực lượng Philippines đang chiếm đóng, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hàng trăm tàu Trung Quốc luân phiên hiện diện suốt một năm, với sự tham gia của hải cảnh lẫn dân quân biển. Tiếp đến, vào tháng 2/2020, vài ngày sau khi ông Duterte khởi động quy trình hủy VFA, tàu chiến Trung Quốc lại chĩa pháo vào tàu hải quân Philippines.
Từ đầu năm 2021 đến tháng 4, căng thẳng tiếp tục leo thang vì hàng trăm tàu dân quân biển Trung Quốc kéo đến khu vực bãi Ba Đầu gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines nghi ngờ Trung Quốc đang dùng đội tàu này để chiếm thêm ở Biển Đông. Tàu hải quân Trung Quốc còn truy đuổi một tàu Philippines chở nhân viên báo đài ghi nhận tình hình thực địa.
Sau khi nhiều nước lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc, phần lớn đội tàu này đã rời khỏi bãi Ba Đầu, tỏa ra các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn duy trì vài tàu neo đậu tại đây. Việt Nam đã khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc tại bãi Ba Đầu xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức đến ngày 26/4, chính phủ Philippines đã gửi 78 công hàm phản đối những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. "Chúng tôi phát ngôn ngày một quyết liệt vì bản chất hành động của họ ngày càng táo tợn, cũng như số lượng, tầng suất và cự ly những vụ xâm phạm", Marie Yvette Banzon-Abalos, Vụ trưởng Truyền thông Chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines, nhận định.
Duterte vẫn cố níu kéo hy vọng duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh. Trong phát biểu tuần qua, ông gọi Trung Quốc là "ân nhân" của Philippines và "bất đồng không đồng nghĩa chúng ta phải đối xử thô lỗ và thiếu tôn trọng". Tuy nhiên, cách Bắc Kinh hành xử ngày một hung hăng đang làm gia tăng ác cảm với Trung Quốc trong dư luận Philippines. Giới lãnh đạo quân đội Philippines vẫn ủng hộ quan hệ đồng minh truyền thống cùng Mỹ và xem Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất từ bên ngoài.
Tổng thống Duterte không còn nhiều dư địa trong sách lược. Theo Grossman, dù lãnh đạo Philippines vẫn gọi Trung Quốc là "bạn tốt", tình cảnh hiện nay buộc ông phải cứng rắn hơn và tránh hiện thực hóa một số dự án bắt tay cùng Bắc Kinh. Ý tưởng hợp tác Philippines - Trung Quốc thăm dò dầu mỏ và khí đốt trên vùng biển tranh chấp nhiều nguy cơ đổ vỡ.
"Ông ấy có thể không ngưng chỉ trích Mỹ, vì trong thâm tâm ông ấy vẫn là một người bài xích Mỹ. Dù vậy, Trung Quốc khiến Duterte không còn nhiều lựa chọn ngoài việc xích lại gần hơn với Washington. Mỹ và Philippines có cơ hội sớm đạt thỏa thuận mới về VFA. Duterte không còn là cơn đau đầu quá lớn ở Washington mà đang trở thành cơn đau đầu của Bắc Kinh. Đây là điều tích cực cho chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", chuyên gia tại RAND đánh giá.
Trung Nhân (Theo CNN/ Foreign Policy)