"Các hoạt động diễn tập, tuần tra hàng hải trên Biển Đông của cảnh sát biển và Cục ngư nghiệp Philippines sẽ tiếp diễn. Quan điểm của chính phủ sẽ không lung lay", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm nay ra thông cáo cho biết.
Bộ trưởng Lorenzana thêm rằng thông cáo này phản ánh quan điểm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong đó yêu cầu quân đội Philippines "bảo vệ chủ quyền nhưng không sử dụng biện pháp quân sự và duy trì hòa bình trên các vùng biển". "Philippines có thể thân thiện và hợp tác với các nước khác, nhưng sẽ không đánh đổi chủ quyền của chúng tôi", Lorenzana cho hay.
Đợt diễn tập bắt đầu từ hôm 25/4 tại một số khu vực ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố là trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, trong đó có bãi cạn Scarborough cùng những khu vực phía nam và phía đông Philippines.
Phát ngôn viên cảnh sát biển Philippines Armando Balilo cho biết đợt diễn tập bao gồm các nội dung như định vị di chuyển, vận hành tàu thuyền nhỏ, bảo trì và hoạt động hậu cần. "Các cuộc diễn tập này nhằm"đối phó với sự hiện diện mang tính đe dọa của tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực", ông nói.
Khi được hỏi về cuộc diễn tập này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã yêu cầu Philippines "chấm dứt các hoạt động gây phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp" trên Biển Đông. Ông này còn ngang nhiên cho rằng Trung Quốc có "chủ quyền" với khu vực bên trong "đường 9 đoạn" Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Manila hồi tháng 4 nhiều lần gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, liên quan vụ hơn 240 tàu vỏ sắt của Trung Quốc hiện diện tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Manila cho rằng các tàu dân quân biển Trung Quốc có hành vi "đe dọa an toàn hàng hải và tính mạng" ngư dân Philippines. Tổng thống Duterte sau đó tuyên bố sẽ điều tàu hải quân tuần tra Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế đã quyết liệt lên án động thái của Trung Quốc. Hải quân Mỹ liên tiếp điều các nhóm tàu chiến tới Biển Đông diễn tập.
Việt Nam khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc tại bãi Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phần lớn đội tàu vỏ sắt Trung Quốc rút khỏi bãi Ba Đầu hồi giữa tháng 4 sau nhiều tuần căng thẳng.
Vũ Anh (Theo Reuters)