Người phụ nữ 36 tuổi đang ở Thụy Điển luôn thức dậy lúc 3h sáng mỗi ngày để nghe bản tin Covid-19 ở quê nhà. Từ đầu tháng, cô đã cố gắng đặt vé về nước để ở bên người mẹ bị ung thư, nhưng cả bốn chuyến bay cô đặt đã bị hủy, do chính sách đóng cửa biên giới của Trung Quốc.
"Một đêm mẹ nhắn cho tôi nói tình hình của mình càng tồi tệ và có lẽ mẹ không thể trụ được đến ngày tôi về", Liang nói.
Trước tình trạng đi lại cao điểm Tết Nguyên Đán và Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra trong vài tuần nữa, Trung Quốc đang cảnh giác cao độ để ngăn chặn một đợt bùng phát mới. Dù chỉ ghi nhận 3.700 ca mỗi ngày so với làn sóng Omicron đang hoành hành, đây vẫn là con số đáng kể với một quốc gia theo đuổi chiến lược "không Covid".
Theo các chuyên gia, với tình trạng dịch bệnh toàn cầu đang căng thẳng, các quy định nghiêm ngặt đường hàng không của Trung Quốc khó thay đổi trong thời gian tới. "Rủi ro của các ca nhập cảnh vẫn còn rất cao trong sáu tháng tới", nhà virus học hàng đầu Trung Quốc Zhang Wenhong cho biết cuối tuần trước.
Trước tình trạng này, những sinh viên muốn đi du học hay các lao động hết hạn hợp đồng tìm cách trở về, càng trở nên khó khăn.
Chen Qing dự định bay về vào tháng tới, sau khi đến thăm bạn trai ở Mỹ, song chuyến bay ngày 14/2 của cô đã bị hủy. Hiện cô đã đăng ký lại vào tuần tới, nhưng cũng không hy vọng. "Mỗi ngày tôi mất nhiều thời gian kiểm tra thông tin phòng vé", Chen nói. Cô lo ngại việc về chậm sẽ ảnh hưởng tới công việc, song trước tình hình này thì gần như chỉ chờ may rủi.
Các quy định chống dịch cứng nhắc khiến nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài lo lắng. Trên các mạng xã hội, từng nhóm đang chia sẻ những câu chuyện gian nan tìm đường về nhà, khó khăn đặt vé, bị hủy chuyến, hay giá vé tăng vọt...
Cả Chen và Liang cho biết đã trả hơn 20.000 tệ (71 triệu đồng) cho một chuyến bay về nước, cao gấp đôi giá trước dịch. Nhiều người đặt chỗ qua các đại lý để đảm bảo giành được tấm vé. "Trở về Trung Quốc giống như mua vé số. Đó là một canh bạc thực sự", Liang nói.
Đối với nhiều người, thậm chí đã lên được máy bay nhưng chuyến bay buộc phải chuyển hướng giữa không trung. Tháng trước, chuyến bay hãng Delta Airlines của Mỹ, xuất phát từ Seattle đến Thượng Hải đã buộc phải quay đầu khi đã bay được sáu tiếng. Lý do vì sân bay ở Thượng Hải ra quy định mới "đòi hỏi thời gian làm thủ tục trên mặt đất kéo dài đáng kể và không thể phù hợp với cách vận hành của hãng Delta".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã bác bỏ tuyên bố này, đổ lỗi việc hủy chuyến bay do tình trạng thiếu nhân viên của Delta Airlines. Chính phủ Mỹ thì chỉ trích quyết định của Trung Quốc vì hủy hàng loạt các chuyến bay.
Trong khi đó, hàng nghìn người dân cả Trung Quốc lẫn nước ngoài đang bị kẹt vì chính sách kiểm soát gắt gao ở biên giới, khiến họ khó đoàn tụ với gia đình, trở lại trường học hoặc công việc.
"Tôi hiểu chiến lược của Trung Quốc. Tôi chỉ cảm thấy chính sách đóng cửa biên giới là vô nhân đạo", Liang cho biết. Cô hy vọng chuyến bay đặt lần thứ năm vào ngày 13/2 sẽ cất cánh mà không gặp trở ngại nào nữa.
Còn Chen, chính sách của nhà nước đôi khi khiến cô "cảm thấy như thể mình là một con virus".
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)