Giờ này năm ngoái, cô gái 25 tuổi đang tất bật lên kế hoạch mua áo dài, cắt tóc, làm móng... đón Tết thì năm nay, Linh chỉ quẩn quanh trong nhà ở phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Linh thất nghiệp đã nửa năm. Công ty marketing cô gắn bó từ khi ra trường đến nay làm ăn không hiệu quả, thêm ảnh hưởng do dịch bệnh nên cắt giảm nhân sự. Từ đó đến giờ, Linh chưa kiếm được việc mới, một phần vì không tìm thấy chỗ nào phù hợp, một phần vì nản.
Tâm trạng chán chường, tiền tiết kiệm lại vơi dần từng ngày, Linh không còn hứng thú sắm sửa gì cho Tết. "Tôi cũng xác định không ra khỏi nhà nên chẳng mua gì. Tôi chỉ dành sẵn hai triệu đồng để biếu bố mẹ, hết", Linh nói.
Tuy vẫn có công việc song Ngô Duy Anh như "ngồi trên đống lửa" bởi năm nay nhiều khả năng sẽ là năm đầu tiên từ khi đi làm anh không thể mua quà Tết cho gia đình.
Một năm sóng gió vì đại dịch đã khiến Duy Anh thay đổi chỗ làm bốn lần do các công ty nợ lương. Chàng trai gốc Hải Phòng vừa vào làm ở một công ty mới từ tháng 12/2021 cũng chỉ trả nhân viên nửa tháng lương với lý do "đồng hành cùng công ty mùa dịch".
Với thu nhập không tới 5 triệu đồng, Duy Anh "tháng nào ăn hết tháng đó" bởi riêng tiền thuê nhà ở Hà Nội đã 3,5 triệu đồng. Thế nhưng, gia đình anh lại có quy định con cháu đi làm xa phải mua quà biếu các bác hai bên nội ngoại, tổng cộng 10 người. Duy Anh có tính đến phương án vay bạn bè nhưng xung quanh anh, ai cũng khó khăn.
"Không mua quà thì sẽ bị nói ra nói vào mà mua ít cũng bị so sánh. Chưa bao giờ, tôi ghét Tết đến thế", Duy Anh giãi bày.
Covid-19 làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó có ngày Tết. Theo khảo sát Kỳ vọng của người Việt vào dịp Tết 2022 của công ty nghiên cứu thị trường Q&me thực hiện tháng 11/2021, tài chính là nỗi lo lớn nhất, xuất hiện ở 64% người tham gia. Bên cạnh đó, gần 50% có xu hướng tiết kiệm tiền hơn so với các năm trước. Điều này do tác động của dịch bệnh đến thị trường việc làm.
Có lẽ Duy Anh không phải là trường hợp cá biệt bởi trong khảo sát Tết Insight 2022 (thực hiện bởi Adtima), 33% người Việt khẳng định không thoải mái với việc chi tiêu quá nhiều vào dịp Tết và 17% lo sợ sẽ không chuẩn bị được một cái Tết như mọi năm.
Do đại dịch, việc đoàn tụ ngày Tết cũng không còn là điều đương nhiên và dễ dàng. Gia đình chị Đoàn Thanh Hương ở Thanh Hóa là một ví dụ. Chỉ cách nhà ngoại 200 mét, chị Hương không thể về gặp mẹ đẻ bởi đang phải cách ly sau khi tiếp xúc với một F0 trên chuyến xe từ Hà Nội về Thanh Hóa.
"Mẹ tôi nhớ, đòi đứng từ xa nhìn mà tôi đành đuổi mẹ về vì sợ không an toàn cho bà", người phụ nữ 30 tuổi nói.
Bốn chị em khác của chị Hương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Lấy chồng quanh làng, cách nhau mấy bước chân nhưng không ai dám đến nhà ai bởi họ đều đang là F1.
"Nếu Tết trước, chúng tôi lên kế hoạch làm mứt, đồ khô đón Tết và chuẩn bị áo đồng phục cho gia đình thì năm nay chỉ mong được đủ đầy. Chẳng biết có thực hiện được không", chị Hương lo lắng.
Vượt trên yếu tố "gia đình", "sức khoẻ" trở thành mối quan tâm hàng đầu của người Việt trong dịp Tết 2022. Báo cáo của Q&me cho biết, có 81% người Việt lựa chọn "sức khoẻ" làm thứ tự ưu tiên hàng đầu. Yếu tố về "gia đình" vốn rất được quan tâm trong những dịp Tết trước đây giờ chỉ đứng vị trí thứ 2 với 71%. Người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên có xu hướng lo ngại việc người thân trong gia đình có thể bị nhiễm Covid-19.
Tại TP HCM, Cao Ý Linh lần đầu tiên ăn Tết một mình. Những năm trước, nữ phóng viên sinh năm 1993 đều về Hà Nội quây quần với người thân nhưng năm nay, cô quyết đợi tình hình dịch bớt căng thẳng mới về.
"Mẹ tôi bị bệnh nền, tôi cũng sợ nhiễm Covid-19 vì sức khỏe vốn kém", Linh giải thích.
Để đỡ buồn, Linh lên sẵn kế hoạch đón Tết một mình. Cô dự định đi chơi trong thành phố, trải nghiệm các dịch vụ mới như xe đạp công cộng, buýt sông đêm. "Không về nhà cũng đỡ tiền lì xì, quà cáp", nữ phóng viên tự an ủi thêm.
Cũng có những người tìm mọi cách về nhà bởi sau một năm dịch bệnh, họ nhận ra gia đình mới là quan trọng nhất như Phạm Thúy Huyền, nữ du học sinh từ Pháp về Hà Nội năm ngoái.
Quá nhớ nhà sau bốn năm xa quê, lại nghe tin gia đình có người mắc Covid-19 nên Huyền quyết định tạm dừng kế hoạch học lên cao để ở cạnh gia đình. "Nhiều người khuyên tôi ở lại Pháp học cho xong rồi về một thể nhưng với tôi, việc học không quan trọng bằng được về nhà ôm mẹ", nữ nghiên cứu sinh 33 tuổi nói. Qua mạng xã hội, Huyền biết một số du học sinh không kịp về nhà nhìn mặt người thân lần cuối. "Tôi không muốn mình như thế", cô giãi bày.
"Covid-19 khiến chúng ta tìm về giá trị gốc. Khi nhận ra cuộc sống hữu hạn, con người sẽ xem lại những thứ xung quanh mình mà gần nhất chính là gia đình", tiến sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, giảng viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên phân tích.
Hiện, Huyền vừa cùng mẹ chuẩn bị sắm Tết vừa tiếp tục nghiên cứu luận án. Cô đã xin được giáo sư hướng dẫn cho bảo vệ từ xa, dự kiến tháng 7 năm sau sẽ xong xuôi. Tuần sau, Huyền còn tổ chức đám cưới với người yêu 10 năm. "Tết năm nay chắc sẽ đáng nhớ nhất từ trước đến nay", Huyền nói.
Với nhiếp ảnh gia Bùi Cao Tài, Tết năm nay sẽ là Tết đầu tiên anh chụp ảnh bố mẹ. Gắn bó với nghề nhiếp ảnh từ năm 2017, chụp cả trăm nghìn tấm cho người khác nhưng Tài chưa hề chụp ảnh bố mẹ cho tới đầu năm 2021, khi cùng vợ và con trai từ TP HCM về Bình Định tránh dịch.
Chụp bố mẹ, anh "thấy hạnh phúc lắm" và nhận ra mọi người đã già đi nhiều. "Những nếp nhăn đã xuất hiện từ bao giờ mà lâu nay mình bị cuốn vào công việc nên không để ý đến", nhiếp ảnh gia giãi bày.
Những bức ảnh Tết năm nay sẽ cùng 5.000 tấm ảnh chụp hồi bốn tháng tránh dịch thành tài sản quý giá của anh Tài. "Chúng nhắc tôi rằng gia đình sẽ bảo vệ và bao bọc mình, dù có bất kỳ chuyện gì đi chăng nữa", nam nhiếp ảnh gia nói.
Minh Trang