Là một trong năm diễn giả ở tọa đàm do Reflections of Me (Hình ảnh phản chiếu của tôi) về Tính hình tượng trong truyền hình và điện ảnh Đông Nam Á (Netflix tổ chức ngày 16/3 tại Jakarta), Eirene Tran Donohue nhắc lại sự xúc động khi biết Dương Tử Quỳnh nhận tượng vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc Oscar 2023.
Nhân vật Evelyn của Tử Quỳnh ở Everything Everywhere All at Once (EEAAO) là người mẹ, người vợ trong gia đình nhập cư tại Mỹ. Qua sáng tạo của biên kịch, đạo diễn cùng tài năng diễn xuất của minh tinh Malaysia, hình tượng phụ nữ không một màu, kiểu chỉ "trắng hoặc đen". Họ có thể đang ở tuổi trung niên, chịu tổn thương, thất bại nhưng dũng cảm đối diện để thay đổi.
Không phải đến EEAAO, điện ảnh Mỹ mới xuất hiện câu chuyện với phụ nữ và gia đình châu Á là trung tâm. Tuy vậy, chủ đề này chỉ xuất hiện mờ nhạt trong hàng thập niên, chưa được nhìn nhận ở tầm vóc quốc tế. Eirene cho biết trước đây cô hiếm hoi được xem một phim về những mảnh đời phụ nữ châu Á ở Mỹ là tác phẩm The Joy Luck Club (1993) - chuyển thể từ tiểu thuyết của Amy Tan.
Sinh ra tại Mỹ, có mẹ là người Việt, thời phổ thông và đại học, Eirene hầu như không có cơ hội xem tác phẩm điện ảnh về hình tượng phụ nữ châu Á. Do vậy, thành công của Dương Tử Quỳnh và êkíp góp phần giúp cô thấy rõ hơn xu hướng nêu cao vai trò nữ giới, cũng như tiếng nói của người gốc Á về các vấn đề xã hội.
"Tôi yêu thích lời phát biểu của Dương Tử Quỳnh khi cô ấy nhắn nhủ phụ nữ đừng sợ bản thân hết thời. Phụ nữ xứng đáng được yêu, được tỏa sáng theo cách riêng, cho dù họ thuộc độ tuổi, sắc tộc hay xu hướng tính dục nào", Eirene nói.
Eirene Tran Donohue là tác giả kịch bản phim A Tourist's Guide to Love, Steven Tsuchida đạo diễn. Tác phẩm là phim điện ảnh quốc tế đầu tiên quay ở Việt Nam kể từ khi Covid-19 bùng phát, dự kiến phát hành toàn cầu ngày 21/4. "Nhân vật của tôi không tìm kiếm đàn ông, mà là tìm kiếm tình yêu. Phim cũng là cách tôi thể hiện góc nhìn về một Việt Nam tươi sáng, một Việt Nam không chỉ có đề tài về chiến tranh", biên kịch cho biết.
Nhà phê bình phim Ấn Độ Anupama Chopra, 57 tuổi, đồng quan điểm với Eirene Tran việc điện ảnh thế giới từng khắc họa phụ nữ một chiều. Bà lớn lên ở thời hoàng kim Bollywood, khi hầu hết nhân vật nữ xuất hiện với vai trò "trang trí", lệ thuộc nam giới. "Tôi nhớ trong nhiều phim, nữ chính chỉ biết xinh đẹp, ca hát, nhảy múa. Cuối phim lúc nào cũng là cảnh cô gái được người đàn ông dìu về phía ánh hoàng hôn lãng mạn", Anupama Chopra nói.
Từ năm 1987, qua phim Mirch Masala, Chopra nhận ra phụ nữ có thể giữ vai trò chủ động, bản lĩnh. Nhân vật Sobai dám đứng lên đấu tranh cho bất công xã hội. "Hàng chục năm trước khi phong trào MeToo ra đời, Mirch Masala truyền cho tôi cảm hứng rằng phim ảnh không nên đi theo lối mòn khi đề cập về tầm quan trọng của phụ nữ", Chopra cho biết.
Các diễn giả nhận định xu hướng xây dựng hình tượng phụ nữ trên màn ảnh ngày càng đa dạng màu sắc và nữ giới có thêm nhiều cơ hội để sáng tạo.
Ban tổ chức chương trình dành tháng 3 là tháng tôn vinh các nhà làm phim nữ và tác phẩm liên quan hình tượng phụ nữ như: Dear David (Indonesia), Three Windows Against The World (Malaysia), Thai Cave Rescue (Thái Lan), Paper Rose, Hương Ga và Thanh Sói (Việt Nam). Trong đó, hai tên phim sắp ra mắt trong tháng 4 là Hunger (Thái Lan) và A Tourist's Guide to Love (phim về Việt Nam) đều xây dựng hình tượng trung tâm là các cô gái ở nhiều độ tuổi.
Trong khuôn khổ tọa đàm, phim Hunger có buổi chiếu sớm. Nhiều khán giả cho biết xúc động trước cách đạo diễn Thái Lan xây dựng hình ảnh cô gái trẻ vươn lên thành công với nghề đầu bếp. Hoa hậu Thùy Tiên, một trong số khách mời, nói: "Dù chỉ kể một câu chuyện đời thường, Hunger đủ kịch tính và sức hút về việc phụ nữ đấu tranh đi tìm giá trị sống của chính mình".
Chương trình thu hút hơn 200 khách mời, với nhiều tên tuổi ngành phim ảnh và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Dịp này, ban tổ chức giới thiệu quỹ ủng hộ tài năng lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, với các hoạt động như trại sáng tác kịch bản, các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đạo diễn và sản xuất phim ở Lào, Thái Lan, Myanmar, Philippines.
Bà Amy Kunrojpanya, đại diện đơn vị tổ chức, nhận định: "Đông Nam Á là khu vực giàu bản sắc văn hóa, là môi trường tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Chúng tôi muốn ủng hộ giới trẻ, phụ nữ và những người không sống ở các thành phố lớn, để họ thêm cơ hội làm phim, kể câu chuyện qua góc nhìn của bản thân".
Thoại Hà