Miền Bắc đang trong những ngày của đợt rét đậm, trong căn phòng nhỏ được người quen cho mượn ở Văn Giang, Hưng Yên, Nguyễn Thị Oanh vẫn đang miệt mà đọc sách dù đồng hồ điểm 2h sáng. Ngày đi học tiếng Anh, chiều tối đi làm thêm ở một quán ăn khiến thời gian học của cô gái 18 tuổi chỉ gói gọn vào ban đêm.
"Em cũng đã quen với việc thức khuya kể từ ngày mẹ nằm viện hơn một năm trước", Oanh nói.
Mẹ Oanh – bà Nguyễn Thị Vinh từng phải nằm viện ba tháng điều trị đau xương, không đi lại được. Gia đình thuộc hộ nghèo, lại có thêm bà ngoại 96 tuổi nằm liệt giường và một ông trẻ bị mù không thể tự chăm sóc bản thân. Oanh khi đó đang học lớp 12 phải xin rửa bát thuê, nhặt ve chai kiếm tiền đóng viện phí và mua thức ăn cho cả nhà.
Sáng đi học, trưa về nấu nướng, tắm rửa cho ông bà khuyết tật, chiều tối đi làm rồi vào viện chăm mẹ. Nhiều hôm về tới nhà khi trời tối muộn, cô bé chỉ ăn vội bát cơm nguội rồi học tới 2-3h sáng. Có những đêm, nghe tiếng rên rỉ của bà ngoại bởi cơn đau hành hạ, Oanh buông bút, trang vở cứ thế nhòe đi. "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới", nhìn khẩu hiệu dán ở góc sáng nhất bàn học tập, cô bé lau nước mắt, tiếp tục cầm bút.
Thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi, Oanh biết tới học bổng của Đại học Anh quốc BUV, cô viết bài luận gửi trường. "Tôi tin rằng cuộc sống dù khó khăn thế nào, chỉ cần biết tin tưởng, nỗ lực thì chẳng có gì là không thể. Giá trị của mỗi con người là do chính chúng ta tự tạo nên", một phần bài luận viết.
Tháng 7/2020, Oanh là sinh viên duy nhất đạt được học bổng có tên "Trái tim sư tử" với giá trị một tỷ đồng cho 3 năm học chính và một năm học tiếng Anh tại trường.
"Sư tử luôn tự tin làm chủ vương quốc của mình trong oai phong, dũng mãnh và hạnh phúc tự thân. Oanh xứng đáng nhận được hạnh phúc đó", cô Vũ Thị Dung, người sáng lập quỹ Khát Vọng đồng thời là người giới thiệu học bổng nhận xét về cô gái này.
Mười tám năm trước, Oanh chào đời tại một vùng quê nghèo, xóm Phú Thành, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Khi đó, cô bé chỉ nặng 900 g, bác sĩ nói khó nuôi được, gia đình nên "chuẩn bị hậu sự".
Với hai sào ruộng và mảnh vườn nhỏ trồng rau, bà Vinh một mình xoay sở để lo cho 4 miệng ăn. Con gái bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm gia đình thuộc hộ đặc biệt khó khăn. Ngoài ba chiếc giường long chân, trong nhà chẳng còn gì đáng giá. Mỗi khi nghe thấy tiếng sấm báo hiệu mưa, Oanh và mẹ lại chạy đi gom hết xô chậu lên nhà, đặt dưới những chỗ thủng trên mái. Mùa bão, mọi cửa nả đều thít chặt bằng dây thừng tránh gió chọc thẳng vào nhà gây tốc ngói.
Hàng ngày, bà Vinh dậy từ 3 giờ sáng ra đồng hái rau cho kịp phiên chợ sớm. Để nuôi con và hai người cao tuổi khuyết tật trong nhà, ngày bà chỉ dám ngủ 3-4 tiếng. Từng có thời điểm Oanh nằm viện do sốt virus, người mẹ phải cắt mái tóc dài bán lấy tiền nộp viện phí. Biết mẹ vất vả, từ nhỏ cô bé đã biết nhổ cỏ trồng rau, cấy gặt lúa. Những ngày nhà hết gạo, tối học xong, Oanh lại cùng mẹ cầm đèn pin đi bắt ếch nhái suốt đêm, kiếm dăm ba chục trong buổi chợ hôm sau.
Chưa đến 50 tuổi, tóc bà Vinh đã bạc trắng. Có lần, bị bạn bè miệt thị: "Nhà thì như túp lều nát, còn mẹ thì già như bà tao vậy", Oanh khóc tức tưởi suốt quãng đường đi học về. Ôm con gái vào lòng, người mẹ nghẹn ngào: "Có thể mẹ không cho con cuộc sống đầy đủ vật chất như người khác nhưng luôn cho con tình yêu đủ đầy nhất".
Dù nhà nghèo, nhưng ba bữa cơm cho hai người già trong nhà, bà Vinh vẫn cố gắng để một bữa có thịt cá. Giờ cơm gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tiếng nói ríu rít của cô con gái nhỏ hay những chuyện vui lượm lặt trên đường đi bán rau, làm ruộng của bà mẹ đơn thân. "Em luôn thấy mình may mắn hơn nhiều người bởi vẫn có gia đình để yêu thương", Oanh tâm sự.
Không có tiền học thêm, cô bé này thường mượn thêm sách vở của bạn để tham khảo. Ban ngày không có điều kiện học, Oanh chuyển về đêm. Trong suốt 12 năm phổ thông, năm nào cô bé cũng đạt học sinh giỏi. Lớp 4 và lớp 8, nữ sinh này đạt giải nhì và giải ba học sinh giỏi tiếng Anh và Văn cấp huyện. Cô Phạm Quỳnh Lợi, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Oanh cho biết: "Ẩn sau thân hình bé nhỏ và khắc khổ, nghị lực của Oanh khiến ai cũng phải nể phục".
Được mẹ dạy cách yêu thương, Oanh luôn chia sẻ tình cảm cho những người khó khăn gặp ngoài đường. Đó là lần mời cụ già đi bộ giữa nắng nóng lên xe đạp để chở về dù bị hàng xóm dè bỉu: "Ngã ra đấy thì làm ơn mắc oán", hay những buổi phát cháo từ thiện tại các bệnh viện. Trong buổi phỏng vấn xin học bổng, cô gái 18 tuổi cũng nói về ước mơ mở một trung tâm dưỡng lão miễn phí cho người già cô đơn: "Nhìn bà ngoại và ông trẻ được mẹ chăm sóc yêu thương, em cũng hy vọng sau này mình làm được những việc như thế".
Giữa năm 2020 khi chuẩn bị thi tốt nghiệp, bà ngoại Oanh mất. "Đau đớn giống như một mũi dao xuyên tim vậy", cô gái nhỏ hồi tưởng bản thân thời điểm đó. Gia đình vốn khánh kiệt, nay thêm tang lễ cho bà, Oanh dự định thi hết phổ thông rồi xin làm công nhân phụ giúp mẹ. Thời điểm này nhờ sự giúp đỡ của quỹ Khát Vọng, cô bé đã biết tới học bổng "Trái tim sư tử". Ngày nhận được kết quả của con gái, bà Vinh bám chặt đôi bàn tay chai sần lên bàn thờ người mẹ vừa khuất núi: "Cháu Oanh được đi học tiếp rồi mẹ ạ". Nói rồi bà òa khóc.
Hưng Yên những ngày đầu đông gió mùa tràn về lạnh đến buốt xương, thương mẹ không mặc đủ ấm, Oanh gọi điện hỏi thăm. "Mẹ vẫn ổn, cố học con nhé", cuối buổi nói chuyện, người mẹ dặn dò. Hôm sau, người hàng xóm gần nhà thông báo, bà Vinh vừa bị ngã nhưng vẫn chống gậy làm ruộng, hái rau và chăm người chú mù ở nhà. Nghe xong, Oanh hít một hơi thật dài, lấy mảnh giấy nhỏ hí húi viết. Trên mảnh giấy sau đó được cô dán vào góc học tập ghi dòng chữ: "Con sẽ cố học để làm chỗ dựa vững chắc cho mẹ, mẹ nhé".
Hải Hiền