Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 22/10 thống nhất để quân cảnh Nga và biên phòng Syria thay thế dân quân người Kurd trong vùng đệm rộng 30 km dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sẽ tuần tra chung tại khu vực rộng 10 km trong vùng đệm an toàn mà Ankara muốn thiết lập tại đông bắc Syria.
Đây là kết quả của một loạt sự kiện tại miền bắc Syria, bắt nguồn từ thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở chiến dịch quân sự "Mùa xuân Hòa bình", dẫn tới những thay đổi lớn trong cán cân quyền lực và lợi ích địa chính trị của các nước tại khu vực này, theo giới chuyên gia.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã tập kết quân gần biên giới Syria và có nhiều động thái đe dọa, Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd vẫn tin tưởng rằng Ankara sẽ không sử dụng vũ lực, bởi họ đang sát cánh cùng nhiều cố vấn, đặc nhiệm Mỹ, những người được coi là đồng minh trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, người Kurd đã "không kịp trở tay" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút toàn bộ binh sĩ đang đồn trú ở đông bắc Syria, ngay trước khi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 9/10. Đối mặt với lực lượng chính quy hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ, SDF liên tiếp để mất nhiều khu vực quan trọng.
"Họ đang bận chiến đấu với IS và không ngờ rằng Mỹ sẽ cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới. Dân quân người Kurd đã mỏi mệt vì chiến sự liên miên, họ hoàn toàn không phải đối thủ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm", Mehmet Ozalp, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo thuộc đại học Charles Sturt ở Australia, nhận xét.
Trước những chỉ trích về việc bỏ rơi đồng minh, Trump ngày 14/10 đưa ra các lệnh cấm vận nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và xúc tiến một thỏa thuận "đình chỉ chiến dịch" sau đó ba ngày. Tuy nhiên, động thái muộn màng này của Mỹ không thay đổi được tình hình, khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ đẩy mạnh cuộc tấn công nếu người Kurd không rút hoàn toàn khỏi vùng đệm được Ankara thiết lập ở biên giới.
Thỏa thuận thực sự chỉ đến vào ngày 22/10 sau cuộc đàm phán kéo dài 6 giờ giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan tại thành phố Sochi. Theo đó, phạm vi dân quân người Kurd phải rút lui rộng gấp ba lần khu vực quy định trong thỏa thuận Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đạt được hôm 17/10, bao trùm hầu hết vùng lãnh thổ mà Ankara muốn lập vùng đệm.
"Kế hoạch lập vùng đệm rộng 32 km và dài 444 km của Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã hoàn tất. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu cho ba mục tiêu chủ chốt của Tổng thống Erdogan", Ozalp nhận định.
Các mục tiêu đó bao gồm tái định cư hàng triệu người tị nạn gốc Arab ở đông bắc Syria, ngăn chặn nỗ lực thành lập vùng lãnh thổ tự trị của người Kurd và bảo đảm quyền lực chính trị bằng cách duy trì liên minh với đảng Hành động Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MHP).
Thất bại của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trước phe đối lập trong cuộc bầu cử tại thành phố Istanbul hồi tháng 6/2019 dường như liên quan chặt chẽ tới vấn đề khủng hoảng người di cư Syria, thúc đẩy Tổng thống Erdogan hành động mạnh tay với người Kurd ở Syria để giành lại niềm tin của người dân.
"Bất kỳ động thái rút quân nào cũng có thể bị dư luận Thổ Nhĩ Kỳ coi là thất bại. Tổng thống Erdogan chắc chắn muốn bắt đầu cuộc chạy đua tranh cử năm 2023 với vị thế chiến thắng ở Syria. Điều đó đòi hỏi Ankara duy trì hiện diện trên lãnh thổ Syria trong thời gian dài sắp tới", chuyên gia Ozalp đánh giá.
Trong khi đó, quyết định rút gần như toàn bộ lực lượng khỏi Syria khiến Mỹ khó gây ảnh hưởng tới diễn biến ở quốc gia Trung Đông này, chỉ còn chính phủ Syria và Nga là đủ sức tác động tới các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Trước chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, dân quân người Kurd và quân đội chính phủ Syria thường tránh xung đột với nhau. Người Kurd hy vọng sẽ có vùng tự trị và vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hậu nội chiến, trong khi Tổng thống Bashar al-Assad có thể duy trì quyền lực", Ozalp nói.
Tuy nhiên, hành động quân sự của Ankara mang tới cơ hội mới cho Damascus, khi chính phủ Syria nhanh chóng đạt thỏa thuận liên minh với Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng nòng cốt của SDF. Quân đội Syria đã tiếp quản nhiều khu vực do YPG kiểm soát mà họ chưa từng đặt chân đến từ năm 2012, trong đó có các thị trấn chiến lược Kobani hay Manbij gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tái định cư hàng triệu người gốc Arab ở miền bắc Syria cũng khiến người Kurd không thể lập vùng tự trị, phù hợp với mục tiêu thống nhất toàn bộ lãnh thổ Syria sau nhiều năm nội chiến của ông Assad.
Một lợi ích sát sườn khác với Tổng thống Syria chính là thành phố chiến lược Idlib ở vùng tây bắc, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy chống chính phủ. Nhiều nhóm vũ trang đã tập hợp về đây sau khi bị quân đội Syria đánh bại, hàng loạt cuộc đàm phán đã diễn ra trong những năm qua để tránh một chiến dịch tiến công nhằm vào khu vực này.
Tổng thống Assad nhiều khả năng sẽ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hậu thuẫn các nhóm phiến quân tại Idlib, đổi lại Ankara sẽ được duy trì sự hiện diện tạm thời ở miền bắc Syria.
"Dù lực lượng người Kurd đạt thỏa thuận với chính quyền Assad, rất khó nổ ra xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Damascus sẽ kiểm soát các địa điểm chiến lược như Kobani và Manbij, trong khi Ankara duy trì vùng đệm nhằm đẩy lùi người Kurd ra xa biên giới", Ozalp đánh giá.
Đây sẽ là thời điểm để Nga thể hiện vai trò trung gian tại Syria cũng như gia tăng đáng kể ảnh hưởng của mình tại quốc gia này. Sau khi Mỹ rút đi, Nga dường như là bên duy nhất có thể đàm phán với tất cả các bên liên quan ở Syria.
Moskva là đồng minh lớn nhất của Damascus và đang duy trì quan hệ tốt với Ankara. Tổng thống Erdogan chắc chắn sẽ không trực tiếp ngồi vào bàn đối thoại với Assad, mọi cuộc thương lượng sẽ được tiến hành qua Tổng thống Putin.
"Thỏa thuận với Erdogan phục vụ nhiều mục tiêu chủ chốt của Nga, bao gồm duy trì quyền lực cho Tổng thống Assad để bảo đảm tầm ảnh hưởng ở Trung Đông và hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải, đồng thời làm suy yếu NATO bằng cách kéo Thổ Nhĩ Kỳ rời xa tổ chức này", Ozalp cho hay.
Nếu người Kurd nhận thấy chính quyền Assad không có ý định giao chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể tiến hành chiến tranh du kích nhằm vào lực lượng của Ankara ở miền bắc Syria. Điều này sẽ gây thiệt hại cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nhung càng ủng hộ cáo buộc "dân quân người Kurd là khủng bố" do Tổng thống Erdogan đưa ra.
"Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng quân tại miền bắc Syria trong thời gian tới. Người chiến thắng sau cùng có vẻ sẽ là chính quyền Assad khi họ giành lại được quyền kiểm soát toàn bộ đất nước như trước thời điểm nổ ra cuộc nội chiến vào năm 2011", chuyên gia Ozalp nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo ABC News)