Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua họp tại thành phố Sochi, Nga để thảo luận về kế hoạch triển khai lực lượng tại Syria.
Thỏa thuận gồm 10 điểm giữa Moskva và Ankara tập trung vào sự hiện diện của dân quân người Kurd (YPG) tại đông bắc Syria, mối quan tâm chủ yếu của Ankara. Bên cạnh đó, các bên dường như cũng nhận thức được nỗi lo sợ của người Kurd, rằng các nhóm vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có thể mở chiến dịch thanh lọc sắc tộc chống lại họ và các nhóm thiểu số khác.
Theo thỏa thuận, quân cảnh Nga và lính biên phòng Syria sẽ tiến về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ từ trưa hôm nay. Trong vòng 150 giờ, họ sẽ đẩy YPG cùng vũ khí của lực lượng này lùi khỏi biên giới 30 km. Từ 18h ngày 29/10 (22h giờ Hà Nội), quân cảnh Nga và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu tuần tra chung trong vùng đệm an toàn mà Ankara hằng mong muốn. Tuy nhiên, chưa rõ các hoạt động sẽ tiến hành dọc theo toàn bộ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hay chỉ áp dụng tại những nơi người Kurd từng kiểm soát.
Mỹ bị coi là "người thua đậm nhất" trong bàn cờ chính trị tại Syria. Giới chuyên gia nhận định cuộc rút lui nhanh chóng của lực lượng Mỹ là một "món quà" đối với Putin, khi Nga có cơ hội tăng hiện diện quân sự tại khu vực và tăng cường sức ảnh hưởng của mình.
Theo bình luận viên Andrew Osborn của Reuters, việc Nga hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm thay đổi diện mạo Syria, nhằm chứng minh Moskva đủ sức đem lại hòa bình. Thành công trong quá trình này sẽ giúp Nga hoàn tất chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria từ năm 2015, vốn mang tới vị thế mới cho họ ở Trung Đông trong bối cảnh Mỹ ngày càng xa rời khu vực.
Bổ sung thêm cho ý kiến này, bình luận viên Nathan Hodge của CNN cho rằng thỏa thuận giữa Moskva với Ankara càng khiến Washington "bẽ mặt", thể hiện qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, rằng đã đến lúc người Mỹ rời khỏi Syria.
Thỏa thuận tại Sochi dường như xác định Nga sẽ là "người bảo lãnh mới" của người Kurd sau động thái rút quân bị coi là "cú đâm sau lưng đồng minh" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này đồng nghĩa với việc người Kurd sẽ phải nhượng bộ.
Theo bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner, người Kurd buộc phải lựa chọn giữa việc bị tấn công hoặc phục tùng trong điều kiện "tương đối" độc lập. Ngành năng lượng của họ cũng sẽ thuộc về chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh Nga. Với những kết quả này, Moskva sẽ khiến uy tín của Washington tiếp tục suy giảm, đồng thời củng cố vị thế về kinh tế và quân sự tại Trung Đông.
Nga sẽ phải triển khai thêm binh sĩ và thiết bị đến Syria như một phần của nhiệm vụ mở rộng. Tuy nhiên, do lực lượng Nga tại khu vực quá mỏng, người Kurd có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép quân đội chính phủ Syria, đồng minh của Nga, tiến vào những khu vực do họ kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng hộ các bên đối lập trong cuộc nội chiến Syria. Moskva hỗ trợ không lực cho lực lượng của Tổng thống Assad, trong khi Ankara hậu thuẫn những nhóm vũ trang tìm cách lật đổ chính quyền.
Tuy nhiên, cả Putin và Erdogan dường như đều muốn một thỏa thuận không làm ảnh hưởng tới đường biên giới quốc tế, trái ngược với nguyện vọng của các phong trào ly khai. Putin cho biết Nga và Thổ Nhĩ kỳ đều đồng ý duy trì "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Syria trong thỏa thuận hôm 22/10. Ông chủ Điện Kremlin có thể sử dụng thành quả này như một thắng lợi ngoại giao.
Với thỏa thuận mới, Moskva còn đảm bảo được rằng Ankara sẽ phải đàm phán trực tiếp với Damascus để giải quyết lo ngại về đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức phát động phong trào ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1980, bị cả Ankara và Washington coi là khủng bố. Ankara cáo buộc YPG là một nhánh thuộc PKK.
Bình luận viên Rogan cho rằng ngoài việc đưa ra những đề xuất khiến Erdogan bằng lòng, Putin còn dùng những tham vọng chiến lược to lớn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, như mong muốn phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, để lôi kéo ông.
Theo Rogan, thỏa thuận mới đạt được giữa hai bên tiếp tục khiến Thổ Nhĩ Kỳ xa rời các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời mang thông điệp Nga là đối tác hữu ích hơn Mỹ. Nếu Putin thúc đẩy thành công quan điểm này, ông có thể giành được sự ủng hộ của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để đẩy giá dầu lên cao, đồng thời kiếm thêm hợp đồng mua thiết bị quân sự Nga . Đây là "chìa khóa" cho chiến lược của Tổng thống Nga tại Trung Đông.
Ánh Ngọc (Theo CNN, Washington Examiner)