Luật sư Khanh Huỳnh, đang sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết về vấn đề dạy trẻ bằng bạo lực:
Gia đình tôi từng có người quen xin được visa du lịch sang Mỹ. Chị ấy dẫn theo đứa con năm tuổi. Bạn bè người thân gọi điện chỉ bảo đủ thứ, như là nên mặc áo gì cho ấm, nên đem theo gì để đi chơi... và ai cũng thòng thêm một câu "À mà qua đây nhớ không có được đánh bé nhé, tới sân bay nó mà khóc cũng không được đánh đâu nhe".
Khi nói về bạo lực với trẻ em, tôi không khỏi nghĩ tới những hình ảnh đối lập với nhau về chuyện này.
Một bên là cảnh các em nhỏ bị cha mẹ rượt đánh, tay chân nổi từng vết roi. Bên kia là một người phụ nữ to béo mặc bộ đồ màu cam nhìn tôi với vẻ mặt cảnh giác. Cảnh thứ nhất, ở Việt Nam ai cũng gặp hoài. Cảnh thứ hai ở Mỹ, người phụ nữ đó bị khởi tố tội bạo hành bốn đứa con, bộ quần áo màu cam là của tù nhân, còn tôi đang ngồi cạnh với tư cách là luật sư của cô ấy.
Tôi luôn cảm thấy nhức đầu mỗi khi sờ tới chủ đề này. Ngày trước tôi bình phẩm về chuyện này và có nhiều người phán ngay rằng, chủ topic chắc gì đã không đánh con. Gần đây có một bạn viết bài chia sẻ rằng bạn nuôi cháu không đòn roi bị nhiều người xông vào mỉa mai, yêu cầu bạn ấy phải có con đi rồi mới nói. E là bạn ấy có con rồi, nuôi con không đòn roi 18 năm rồi, cho dù kết quả tốt thì e là người ta vẫn bảo để xem vài chục năm nữa đứa con đó thế nào.
Và câu hỏi mà tôi đã nêu ra từ rất lâu nhưng không ai dám trả lời, là vì sao các nước phát triển cấm dạy dỗ bằng đòn roi mà người dân họ được khen là ý thức tốt, xã hội của họ được cho là văn minh, dân của họ giàu và nước của họ mạnh? Đòn roi nếu có tác dụng tốt thì vì sao không có đòn roi mà các nước đấy vẫn thành công trong việc giáo dục các thế hệ sau là sao nhỉ?
Tôi không mong người Việt Nam nào trả lời giúp tôi câu hỏi này. Ở mặt khác, tôi cũng có giả thuyết về chuyện vì sao nhiều người Việt cứ khăng khăng là đòn roi giúp họ nên người.
>> Lời thú nhận của một 'con nhà người ta'
Tuyệt đại đa số những người Việt trưởng thành hiện nay đều đã bị đánh khi còn nhỏ, chỉ có mức độ là khác nhau thôi. Nếu như có 100 trẻ em thì có 99 em bị đánh, lớn lên trong số 99 em đó tất nhiên sẽ có một số em nhất định đạt được một ít thành tựu trong cuộc sống. Những người này chính là những người nói rằng "Tôi đã nên người nhờ đòn roi".
Khổ thay, cái sự nên người đó là nên người kiểu... đòn roi. Nói thẳng ra, khi bạn đem 99 đứa trẻ đó ra thì sau khi lớn lên phải có đứa dài đứa ngắn, những đứa dài hơn - tức là có chút thành công - sẽ cho là mình nên người. Và bởi vì họ đã từng bị đòn nên họ gán ngay công lao cho mấy món đòn roi đó.
Đây là một lỗ hổng kinh điển trong suy luận logic. Tôi không ngạc nhiên khi rất nhiều người Việt mắc phải lỗi này, bởi vì môn logic không được dạy trong chương trình phổ thông, nhất là ở Việt Nam. Đây là lỗi "post hoc, ergo propter hoc", tức là "sau nó, cho nên là tại nó".
Lỗi này có thể được thấy như trong sự việc sau đây. Gia đình nọ đưa con lên Hà Nội để đi học đại học. Sau đấy đứa con chẳng mắc bệnh hiểm nghèo và sớm qua đời. Cha mẹ gào khóc và cho rằng con mình bị bệnh vì đã lên Hà Nội học. Thật ra thì chuyện lên Hà Nội xảy ra trước, chuyện bị bệnh xảy ra sau, chứ hai sự việc không có liên quan nhân quả gì hết.
Hậu quả của lối suy nghĩ này là khả năng lặp lại hành vi một khi mối quan hệ nhân quả bị suy ra mà không được chứng minh. Gia đình bất hạnh trên kia có thể sẽ không cho đứa con tiếp theo lên Hà Nội học vì họ sợ con thứ cũng sẽ bị bệnh. Các bạn cho rằng mình nên người nhờ đòn roi cũng sẽ đánh con vì họ cho rằng con sẽ "nên người".
Khi bạn không bị chìm đắm trong một biển người cho rằng đánh con là cần thiết thì cách suy nghĩ này sẽ trở nên kỳ quặc.
>> Ngộ nhận cha mẹ Tây 'đuổi' con 18 tuổi ra khỏi nhà
Cái sự "xã hội Mỹ đâu thể đem so sánh với xã hội Việt Nam" cũng nằm trong lối mòn suy nghĩ của người Việt và là một lối thoát nhanh chóng khi người ta không tìm ra lý do gì để bỏ đi một thói quen mà họ cho là tiện lợi. Các bậc cha mẹ đang nuôi con tất sẽ dùng ngay câu trên khi họ không biết phản bác như thế nào cho cái thói quen động tay chân của mình. Trong khi đó, bọn trẻ đang và sẽ bị đánh ắt hẳn sẽ không nghĩ như vậy.
Hậu quả rõ ràng nhất của bạo lực là nó khiến cho nạn nhân trở nên bạo lực. Lý do nhiều người Việt ủng hộ dùng đòn roi để nuôi con là bởi vì đó là tất cả những gì mà họ biết. Những người này chưa từng được học cách nuôi dạy con không đòn roi nên họ cảm thấy sợ hãi khi "vũ khí" duy nhất mà họ được trao cho từ thế hệ trước sắp bị tước đi.
Thay vào đó, người Việt có thể học hỏi cách loại sách về giáo dục trẻ em mà không cần bạo lực. Người nước khác làm được thì mình tất cũng sẽ làm được. Chứ cứ khăng khăng bám lấy cách giáo dục thời xưa thì "sản phẩm" tạo ra cũng sẽ giống như xưa.
Tức là những đứa trẻ ngày nay vài chục năm nữa cũng sẽ vật lộn trong nền kinh tế quốc tế, cố gắng hòa nhập và hậm hực tuyên bố rằng chúng đã nên người. Và vì thế chúng sẽ tiếp tục đánh thế hệ tiếp theo.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.