"Mỹ rất muốn khơi mào cuộc chiến này", Olga A. Petrova, một người đã nghỉ hưu, nói khi đề cập tới căng thẳng dai dẳng giữa Nga và phương Tây về Ukraine. "NATO muốn đưa quân tới biên giới nước Nga, họ tìm kiếm điểm yếu của chúng tôi và phát hiện Ukraine", nói thêm rằng người Mỹ thậm chí "không biết Ukraine ở đâu trên bản đồ".
Rất nhiều người Nga khác cũng chung quan điểm với Petrova rằng Mỹ đang kích động cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, trong đó có bạn đồng hành của bà là Tamara N. Ivanova.
Trung tâm Levada, một trong số ít đơn vị thăm dò độc lập ở Nga, cho biết 50% người Nga coi Mỹ và NATO là nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang. Chưa tới 5% người được hỏi đổ lỗi cho Điện Kremlin.
Ivanova nói bà có thể thấy rõ người Ukraine và phương Tây "đã bị tẩy não" như thế nào. Sự ủng hộ kiên định của bà đối với chính sách của Điện Kremlin không gây bất ngờ, bởi những người hưu trí như bà là nền tảng ủng hộ cốt lõi của Tổng thống Vladimir Putin.
Trong khi đó, nhiều người Nga khác, đặc biệt là giới trẻ, tỏ ra không mấy quan tâm đến chính trị. Yana Yakushkina, sinh viên y khoa 20 tuổi, là một trong số đó.
"Tất cả những tranh luận về chiến tranh đều rỗng tuếch. Không ai có thể giải thích nổi cuộc xung đột không hồi kết này", Yakushkina nhún vai nói khi tham dự một buổi trình diễn hồi tưởng về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ rock nổi tiếng Viktor Tsoi tại phòng triển lãm đối diện Điện Kremlin.
Darya Rokysheva, sinh viên 19 tuổi tham gia buổi trình diễn, chia sẻ cô không quan tâm nhiều tới chính trị và tin rằng xung đột xảy ra "giữa các chính phủ chứ không phải giữa các quốc gia".
Sergei Belanovsky, nhà xã hội học nghiên cứu về dư luận, nói rằng tâm lý thờ ơ với tin tức và các vấn đề mà đất nước đang đối mặt hiện phổ biến với nhiều thanh niên Nga.
"Một số người cho rằng cuộc khủng hoảng là điều họ không thể hiểu nổi. Họ không muốn tìm hiểu sâu và nghĩ rằng nó chẳng có lợi ích gì", ông nói.
Tuy nhiên, ngay cả những người không đồng tình với chính sách đối nội của Tổng thống Putin, khi đề cập đến vấn đề Ukraine và các mối quan hệ với phương Tây, họ cũng cho rằng Nga đang bị bao vây, Belanovsky cho biết.
Aleksei Izotov, doanh nhân công nghệ thông tin 45 tuổi, tin rằng Tổng thống Putin "đang làm mọi điều đúng đắn" về chính sách đối ngoại. "Tôi thích nó và tôi nghĩ tôi có cùng quan điểm với hầu hết người Nga", ông nói.
Izotov không thích xem truyền hình quốc gia và chỉ tìm kiếm tin tức trên mạng. Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là do Mỹ và NATO kích động.
"Mỹ theo đuổi các mục tiêu địa chính trị của mình ở khu vực các nước từng thuộc Liên Xô cũ, muốn chia rẽ Nga và các nước này", Izotov nói.
Phản ứng của dư luận Nga hiện trại hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra năm 2014, khi Putin sáp nhập bán đảo Crimea. Thời điểm đó, khoảng 50.000 người đã xuống đường biểu tình ở Moskva. Giờ đây, ngay cả một bản kiến nghị trực tuyến phản đối chiến tranh với Ukraine được công bố từ ngày 30/1 cũng chỉ nhận được 5.000 chữ ký.
"Xã hội Nga không muốn chiến tranh, nhưng phần lớn cho rằng đó là điều khó tránh", Ivan Preobrazhensky, một nhà phân tích chính trị độc lập, nói. Ông thêm rằng với mỗi lần căng thẳng về Ukraine, "chính phủ Nga khiến mọi người nghĩ về chiến tranh như lẽ thường tình".
Họ là những người như công nhân xây dựng Sergei Ryzhkov, vốn không mấy quan tâm tới căng thẳng với Ukraine. "Theo ý kiến của tôi, đây chỉ là những màn phô diễn chính trị", anh nói.
Tuy nhiên, nhà xã hội học Belanovsky cho rằng thái độ của người Nga có thể sẽ thay đổi nếu một cuộc chiến tranh tổng lực với Ukraine nổ ra.
"Tôi nghĩ những tin tức như vậy chắc chắn sẽ tác động tới những người không quan tâm tới chính trị. Khi đó, họ sẽ có phản ứng, chủ yếu là tiêu cực", ông nói.
Arseny Filippov, 22 tuổi, cho biết đã thấy được những hậu quả mà Nga có thể phải chịu do tình hình căng thẳng hiện nay. "Trước đây, tôi có thể dễ dàng đi đến các quốc gia châu Âu với chi phí phải chăng, nhưng bây giờ đồng ruble đã sụp đổ", Filippov nói.
Filippov không hiểu lý do Nga tiến hành những động thái như sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 hay điều quân tới sát biên giới Ukraine hiện nay, để rồi hứng chịu các lệnh trừng phạt hoặc đe dọa cấm vận từ phương Tây, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Anh từng tin rằng cuộc chiến với Ukraine là kịch bản có thể tránh khỏi. Nhưng sau hai tháng căng thẳng leo thang, Filippov giờ không còn chắc chắn như vậy. "Tôi rất hy vọng điều đó không xảy ra", anh nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)