Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom liên tục thông báo giảm nguồn cung khí đốt hàng ngày tới Đức qua đường ống Nord Stream 1, do tập đoàn Đức Siemens chậm trễ bàn giao các bộ phận tua-bin nén khí được sửa chữa ở Canada vì các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Đức cho biết đã thường xuyên liên lạc với Canada trong những tuần gần đây để đảm báo các bộ phận tua-bin nén khí nhanh chóng được bàn giao, trong khí tránh để Ottawa vi phạm các lệnh trừng phạt.
Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit hôm 8/7 cho biết nước này đã nhận được "tín hiệu tích cực" từ Canada. Bộ Tài chính Đức trong khi đó đề xuất Canada có thể gửi thẳng tua-bin nén khí tới Berlin, thay vì Moskva hay tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, để né trừng phạt.
Đức không đồng tình rằng các vấn đề bảo trì là nguyên nhân khiến Nga giảm nguồn cung khí đốt, nhưng Berlin tin rằng việc nhanh chóng đưa các tua-bin nén khí trở lại sẽ khiến Moskva không có cớ để giảm nguồn cung.
Ukraine trong khi đó kêu gọi Canada không giao lại tua-bin nén khí cần thiết cho đường ống khí đốt Nord Stream 1. "Chúng tôi đang đề nghị Canada không giao lại tua-bin cho Đức, mà giao cho Ukraine", giám đốc điều hành hệ thống truyền tải khí OGTSU của Ukraine Sergiy Makogon đăng trên Facebook.
Makogon cho biết các đường ống của Ukraine có khả năng vận chuyển đủ khối lượng khí đốt tới Đức để bù đắp cho sự cắt giảm nguồn cung từ Nga, thêm rằng "không nên nghe theo hành vi tống tiền từ Điện Kremlin".
Điện Kremlin hôm 8/7 tuyên bố sẽ đẩy mạnh cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream ngay khi tua-bin nén khí đi vào hoạt động sau khi được bảo trì.
Ukraine hồi cuối tháng 5 đề nghị Đức dừng hoặc cắt giảm các dòng khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1, tuyên bố sẵn sàng cung cấp tuyến vận chuyển thay thế.
Phía Ukraine lập luận rằng hoạt động của đường ống Nord Stream 1 được luật pháp Đức cho phép trên cơ sở góp phần tăng cường đảm bảo nguồn cung khí đốt cho châu Âu, song Nga đã vi phạm các nguyên tắc đó.
Các nhà phân tích cho rằng việc ngừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 hiện tại có thể gây khó khăn với Đức và phần còn lại của châu Âu. Khí đốt từ Nga, được chuyển tới Đức chủ yếu qua đường ống Nord Stream 1, là nguồn cung năng lượng mà Berlin khó loại bỏ nhất.
Ngọc Ánh (Theo AFP)