"Chúng tôi dự kiến sẽ ra khơi mùa hè này. Chúng tôi vẫn chưa quyết định chi tiết, nhưng đang cân nhắc điều tàu tới Nhật Bản", Thomas Silberhorn, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Liên bang Đức, cho biết hôm 24/1. Ông nhấn mạnh kế hoạch này "không nhằm vào bất kỳ ai".
Chính phủ Đức cuối năm ngoái thông qua chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới và đang xem xét những chính sách dựa theo chiến lược này, bao gồm cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Theo các nguồn tin chính phủ Đức và đảng cầm quyền, một tàu hộ vệ đóng quân ở phía bắc nước Đức sẽ triển khai tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, với những chuyến cập cảng tại Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và những quốc gia khác. Chiến hạm dự kiến tiếp liệu và tham gia diễn tập ở một số vùng lãnh thổ của Pháp trong khu vực. Chính phủ Đức dường như cũng có kế hoạch cho tàu di chuyển qua Biển Đông, nhưng điều này chưa được xác nhận.
Đức luôn thận trọng trong việc triển khai quân đội ngoài châu Âu, trong khi châu Á vốn không phải khu vực nước này có lợi ích truyền thống. Tuy nhiên, dường như Berlin đang muốn thể hiện sẵn sàng duy trì trật tự thế giới vì lợi ích ngày càng lớn tại Đông Á.
Các nước châu Âu đang cố tách rời chính trị và kinh tế trong chính sách với Trung Quốc, trong đó gồm duy trì khoảng cách về chính trị nhưng vẫn bảo đảm quan hệ kinh tế tốt đẹp. Sự hiện diện của chiến hạm Đức tại châu Á có thể coi là thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của châu Âu.
Hồng Hạnh (Theo Nikkei)