Công ty BASF sử dụng nguồn năng lượng lớn hơn cả nước Thụy Sĩ, vì đây là nơi sản xuất mọi thứ từ cao su, giày thể thao cho tới sơn phủ xe hơi. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong quý II năm nay, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, khiến hóa đơn năng lượng của BASF đội lên 776 triệu USD.
Để tiết giảm chi phí, nhà máy bắt đầu cắt các dây chuyền sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng như phân bón, làm gia tăng tình trạng thiếu phân bón ở châu Âu và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Nếu khủng hoảng năng lượng ở Đức trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng tới, giám đốc điều hành Martin Brudermüller cảnh báo BASF có thể phải chuyển sản xuất sang các nhà máy ngoài châu Âu nhiều hơn.
"Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc chiến và một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, đe dọa sự tồn tại của nền công nghiệp châu Âu", Brudermüller nói tuần trước, thêm rằng "nhiều chuỗi giá trị của chúng ta đang bị phá vỡ".
Xung đột Ukraine đã thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ ở Đức. Trong những ngày đầu xung đột, chính phủ Đức đã từ bỏ chính sách kiềm chế quân sự, tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và không phản đối chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Giờ đây, hậu quả của cuộc chiến một lần nữa khiến Đức phải xem xét lại các chính sách nền tảng của đất nước. Quốc gia Tây Âu đã phát triển thịnh vượng, trở thành đầu tàu kinh tế của châu Âu và nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, nhờ dựa vào hai trụ cột chính là xuất khẩu công nghiệp và nhập khẩu năng lượng giá rẻ của Nga.
Nhưng khi nền kinh tế Đức gánh những hệ lụy từ xung đột, mô hình kinh tế thành công này đang bị hoài nghi.
"Chúng tôi đã quá phụ thuộc vào một quốc gia là Nga và chúng tôi đang phải giá cho điều đó", Claudia Kemfert, một trong những chuyên gia năng lượng hàng đầu của Đức, chia sẻ. "Đức phải thay đổi và chúng tôi đã nhận ra điều đó từ lâu. Mô hình kinh tế hiện tại không thực sự bền vững".
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây lao dốc đã tạo ra tác động lớn ở Đức. Trước xung đột, Nga cung cấp hơn 50% lượng khí đốt tự nhiên mà Đức dùng trong sản xuất công nghiệp, sưởi ấm các ngôi nhà và sản xuất điện. Nhưng khi đường ống cung cấp chính từ Nga ngừng hoạt động, Đức phải chật vật tìm kiếm các nguồn năng lượng khác với mức giá gấp 7-10 lần năm ngoái.
Đồng thời, Đức cũng cảm nhận được tác động từ sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu công nghiệp. Đức là nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng sản xuất chiếm khoảng 20% nền kinh tế Đức, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ khoảng 11%. Điều đó khiến Đức đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động của thương mại thế giới và giá năng lượng.
Cú sốc về giá năng lượng hiện tại, cộng với những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và nhu cầu toàn cầu suy yếu, đã làm giảm thặng dư thương mại của Đức. Các nhà kinh tế cho rằng Đức sẽ đối mặt suy thoái vào năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Đức có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế lớn khác ngoài Nga.
Nhưng tác động sẽ không chỉ dừng lại ở Đức. Suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ gây áp lực lên đồng euro, khiến đồng tiền chung châu Âu giảm giá so với USD trong thời gian dài, theo một số nhà kinh tế.
Các quốc gia Đông Âu sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương vì là nơi có các nhà cung cấp cho nhiều công ty sản xuất lớn của Đức, đồng thời nền kinh tế của họ cũng liên kết chặt chẽ với Đức.
Đình trệ sản xuất ở Đức cũng có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với các sản phẩm như ôtô, thiết bị y tế và các sản phẩm công nghiệp chuyên dụng nổi tiếng khác của nước này.
"Nếu Đức suy thoái, điều mà tôi nghĩ khó tránh khỏi, nó sẽ tác động đến nền kinh tế của châu Âu và phần còn lại của thế giới", Emily Mansfield, nhà kinh tế tại Cơ quan Tình báo Kinh tế ở Anh, nói.
Hiện tại, kho dự trữ khí đốt của Đức được làm đầy nhờ tăng cường nhập khẩu từ Na Uy và Hà Lan. Pháp cũng bắt đầu chia sẻ khí đốt với Đức. Một kho tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nguồn cung xa hơn dự kiến được xây dựng vào năm tới. Đức cũng quyết định sử dụng thêm nhiều than đá và dầu hơn để đối phó khủng hoảng năng lượng.
Nhưng thay thế hoàn toàn khí đốt Nga là quá trình tốn kém và phức tạp, có thể khiến giá năng lượng ở Đức tăng cao trong nhiều năm, đặc biệt là 12 tháng tới. Giới phân tích nói một mùa đông khắc nghiệt có thể gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng ngay từ đầu năm sau.
"Ngay cả khi nền kinh tế đang được hỗ trợ nhờ những biện pháp trợ cấp, các công ty vẫn đối mặt hai mùa đông đầy thách thức phía trước", Peter Adrian, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Đức, nói.
Một số công ty đã giảm sản xuất các mặt hàng tiêu tốn năng lượng như amoniac và nhôm, chuyển sang nhập khẩu hoặc chuyển địa điểm sản xuất. Các công ty khác tăng gấp đôi lượng hàng lưu kho, khi lo ngại tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ kính chắn gió xe BMW cho tới chai đóng bia Đức.
Speira, nhà sản xuất nhôm hàng đầu của Đức, tháng trước quyết định cắt giảm 50% sản lượng tại nhà máy Rhinework ở Nuess. Giá khí đốt tăng cao đến mức một tấn nhôm được bán ra chỉ bằng 1/3 tiền năng lượng cần để sản xuất nó.
"Tình trạng này không thể kéo dài. Đó là điều không thể. Và nó không chỉ xảy ra với sản xuất nhôm, mà là toàn bộ ngành công nghiệp Đức. Hiện không có ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nào nói mọi thứ vẫn ổn", Volker Backs, giám đốc điều hành công ty, nói.
Cũng do chi phí năng lượng cao ở châu Âu, công ty Trinseo của Mỹ tháng trước thông báo đóng cửa nhà máy hóa chất ở Boehlen, Đức, sau khi lỗ 30 triệu USD trong bốn quý qua. Cùng tháng, tập đoàn Volkswagen cảnh báo một số nhà sản xuất linh kiện rằng họ có thể cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài trong trung hạn nếu tình trạng thiếu khí đốt không được khắc phục.
"Các chính trị gia phải tìm cách kiểm soát tình trạng tăng giá điện và khí đốt hiện tại. Nếu không, các công ty vừa và nhỏ sử dụng nhiều năng lượng sẽ gặp vấn đề lớn về chuỗi cung ứng và phải giảm hoặc ngừng sản xuất", Thomas Steg, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối ngoại của tập đoàn, nói.
Khi được hỏi liệu các biện pháp can thiệp được chính phủ Đức đề xuất mới đây có giảm bớt lo ngại hay không, Volkswagen cho rằng áp trần giá khí đốt sẽ hữu ích cho các công ty trong đảm bảo sản xuất và việc làm.
Tình trạng khó khăn của Đức hiện tại nhắc nhớ về thời điểm cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi Đức chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp. Đức khi đó được gọi là "kẻ ốm yếu của châu Âu".
Tuy nhiên, nhiều người Đức cho rằng chính cuộc khủng hoảng năng lượng đã thức tỉnh quốc gia này về tình trạng quá phụ thuộc vào năng lượng Nga. Họ tin những nỗi đau mà Đức phải gánh chịu trong quá trình loại bỏ năng lượng Nga sẽ được bù đáp trong trung hạn, khi các công ty trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn về năng lượng.
"Điều này sẽ giúp chúng tôi thực sự tự đứng trên đôi chân của mình", Sabine Nikolaus, người đứng đầu công ty dược phẩm Boehringer Ingelheim ở miền trung nước Đức, cho hay.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)