Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 30/3 thông báo nước này kích hoạt giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp ứng phó tình huống cạn kiệt năng lượng do lo ngại Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Theo kế hoạch này, các hộ gia đình và bệnh viện Đức sẽ được ưu tiên phân bổ khí đốt hơn doanh nghiệp trong trường hợp nguồn cung bị hạn chế.
Lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn Đức cùng ngày cảnh báo bất cứ gián đoạn nào với nguồn cung khí đốt có thể sẽ tàn phá nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn chưa hồi phục hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hậu Covid-19.
Tình huống xấu nhất trong kịch bản Nga cắt khí đốt tới Đức được cho là liên quan đến công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF. Cơ sở sản xuất hóa chất chính của BASF ở thành phố Ludwigshafen, miền tây Đức, có nguy cơ phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ nếu thiếu khí đốt.
Chủ tịch hiệp hội công nhân hóa chất IG BCE Đức Michael Vassiliadi cảnh báo khoảng 40.000 công nhân sẽ phải giảm giờ làm hoặc bị sa thải.
Christian Kullmann, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức (VCI), cũng cảnh báo cơ chế vận hành của các nhà máy hóa chất rất phức tạp, "không thể tắt đi bật lại như lò vi sóng".
"Một khi các nhà máy hóa chất dừng hoạt động, chúng sẽ không thể sản xuất trong nhiều tháng", Kullmann nói và nói rằng tình trạng gián đoạn này sẽ "gây ra hiệu ứng domino rất lớn với phần lớn ngành công nghiệp".
Lĩnh vực hóa chất là một phần quan trọng của nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Đức, do hầu hết các ngành công nghiệp như ôtô, dược phẩm và xây dựng đều không thể thiếu hóa chất. Ngành hóa chất sử dụng khoảng 15% lượng khí đốt của Đức, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp.
"Giá năng lượng tăng cao, nhưng trên hết là kịch bản nguồn cung khí đốt bị cắt, sẽ giáng đòn mạnh vào ngành hóa chất, mẹ của nhiều ngành công nghiệp Đức", Vassiliadi nói. "Hậu quả không chỉ là nhiều lao động bị sa thải, mà còn là sự sụp đổ nhanh chóng của chuỗi sản xuất công nghiệp ở châu Âu, gây hậu quả khắp toàn cầu".
Dù Đức tuyên bố giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, lượng khí đốt từ nước này vẫn chiếm 40% tổng nguồn cung của Berlin, giảm từ mức 50% trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Bộ trưởng Habeck thừa nhận Đức khó tìm đủ nguồn thay thế khí đốt Nga tới giữa năm 2024.
Khi kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp về nguồn cung năng lượng, Bộ trưởng Habeck cho biết các kho dự trữ khí đốt của Đức đạt công suất khoảng 25%. "Số khí đốt trên sẽ cạn trong bao lâu phụ thuộc vào một số yếu tố như mức tiêu thụ và thời tiết", ông Habeck nói, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng và doanh nghiệp tư nhân cắt giảm sử dụng năng lượng.
Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức dự đoán GDP của nước này năm 2022 chỉ tăng 1,5% do tác động từ tình hình hiện tại. "Chúng tôi có thời gian tồi tệ vì đợt bùng phát Omicron và giờ mọi thứ còn ảm đạm hơn", thành viên hội đồng Monika Schnitzer nói.
Các đơn vị cung cấp năng lượng chính của Đức những ngày qua cảnh báo không thể loại trừ nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia "kém thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Các bộ trưởng trong nhóm G7 từ chối làm điều này với lý do đây là hành động đơn phương và "vi phạm thỏa thuận sẵn có". Trong khi đó, Điện Kremlin thông báo Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí và "khó làm từ thiện với các khách hàng châu Âu trong tình thế hiện nay".
Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Đức cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Olaf Scholz hôm qua, Tổng thống Putin đề xuất phương án thanh toán bằng euro và chuyển tiền cho ngân hàng thuộc tập đoàn Gazprom của Nga, sau đó khoản tiền sẽ được chuyển đổi thành ruble.
"Thủ tướng Scholz không đồng tình với quy trình này trong cuộc điện đàm, nhưng đề nghị phía Nga chuyển thông tin bằng văn bản để hiểu rõ hơn", phát ngôn viên chính phủ Đức cho hay.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin và Thủ tướng Scholz nhất trí rằng chuyên gia hai nước sẽ thảo luận phương án thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Sự phụ thuộc khiến nhiều nước EU không đáp lại những lời kêu gọi từ Mỹ và Ukraine là cấm vận ngành năng lượng của Nga.
Nguyễn Tiến (Theo DW, RT, AFP)