Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 30/3 thông báo chính phủ nước này đã kích hoạt giai đoạn đầu trong kế hoạch ba giai đoạn nhằm đối phó trường hợp cạn kiệt nguồn cung năng lượng.
Một đội chuyên trách sẽ được thành lập và họp hàng ngày để giám sát tiêu thụ và dự trữ khí đốt. Bộ trưởng Habeck kêu gọi các công ty và người tiêu dùng giúp đỡ bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng bất cứ khi nào có thể. Quan chức chính phủ cũng sẽ thảo luận với các nhà cung cấp năng lượng và những bên tiêu thụ lớn về các ưu tiên khi sử dụng khí đốt.
"Hiện chúng ta không thiếu nguồn cung. Dù vậy, chúng ta phải thực hiện các biện pháp đề phòng", Habeck nhấn mạnh.
Các đơn vị cung cấp năng lượng chính của Đức những ngày qua cảnh báo không thể loại trừ nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia "thiếu thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Các bộ trưởng trong nhóm G7 từ chối làm điều này với lý do đây là hành động đơn phương và "vi phạm thỏa thuận sẵn có". Trong khi đó, Điện Kremlin thông báo Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí và "khó làm từ thiện với các khách hàng châu Âu trong tình thế hiện nay".
Các chuyên gia nhận định động thái mới nhất của Nga nhằm gây áp lực lên châu Âu để trả đũa các lệnh cấm vận. Với các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga, phương Tây đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga.
Khi quyết định của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Sự phụ thuộc khiến nhiều nước EU không đáp lại những lời kêu gọi từ Mỹ và Ukraine là cấm vận ngành năng lượng của Nga.
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)