Xung quanh hình thức liên lạc qua ứng dụng trên điện thoại và email giữa phụ huynh và Trường Gateway, các độc giả VnExpress đã có những tranh luận trái chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, phần mềm quản lý dù có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế con người:
Điều hành một trường học chứ không phải một công ty. Ngăn giáo viên và phụ huynh liên lạc với nhau thì chẳng khác gì bịt mắt cả hai phía. Một bên không biết được con mình làm gì ở trường, có sao không, cô giáo có phản ánh gì không. Trong khi đó, bên kia hoàn toàn không nắm được tình trạng học sinh trước và sau những giờ học. Các cháu không phải là hành lý ký gửi mỗi sáng giao cho phụ trách xe đưa lên xe rồi tối xe trả về.
Nhà trường liên lạc qua ứng dụng, mà còn là bằng tiếng Anh. Quá hiện đại và đi trước thời đại, đến mức phụ huynh không theo kịp. Điều này có vẻ xịn, hoành tráng nhưng lại đẩy phụ huynh ra xa hơn khỏi tình hình học tập của các con em mình. Và tôi dám đảm bảo rằng đa số phụ huynh gặp khó khăn với cách làm này khi một công cụ giáo dục chưa được ban ngành nào kiểm chứng, chưa được thử nghiệm trước được ấn vào tay phụ huynh.
Phần mềm gì thì cũng nên bảo đảm yếu tố nhanh, chính xác. Con tôi chỉ học trường công, học phí 500 ngàn đồng/ tháng mà mỗi khi con nghỉ ốm, bố mẹ chưa kịp gọi điện xin phép hoặc khi con ngồi trên lớp có biểu hiện bất thường như sốt, đau bụng thì cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện trực tiếp ngay cho phụ huynh. Tôi nghĩ việc này nên để cô giáo chủ nhiệm trao đổi trực tiếp với gia đình vì thực ra cuộc gọi chỉ mất vài chục giây, không mấy ảnh hưởng tới việc giảng dạy.
Sự kết nối giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm rất cần thiết, có những thắc mắc ở lớp thì giáo viên chủ nhiệm trao đổi ngay với phụ huynh. Nếu như có số điện thoại của phụ huynh cháu bé thì có thể cô giáo chủ nhiệm đã liên lạc với gia đình vì sao cháu vắng mà không phép. Từ cuộc gọi có thể cháu bé không gặp nạn đáng tiếc.
Hiện đại thì hại điện. Phải có phương án dự phòng, lỡ mà mất điện, phần mềm bị lỗi hoặc đường truyền internet bị cắt thì sao? Phải lưu số điện thoại phụ huynh chứ? Phần mềm không thể thay thế con người được.
Trong cuộc sống luôn có những kẽ hở tiềm ẩn, chưa được phát hiện ra. Người quản lý phải có trách nhiệm đánh giá, rà soát để bịt lỗ hổng đó trước khi nó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Việc này cũng khá dễ. Mỗi cô phụ trách đưa đón sẽ có danh sách cháu từng địa điểm, đến nơi nhận cháu đánh dấu tích vào ô có mặt, không có mặt thì liên hệ với phụ huynh theo số điện thoại bên cạnh để hỏi lý do cháu không đến (ốm, vắng hay đang trên đường đến)? Các học sinh sau đó đươc bàn giao cho giáo viên chủ nhiệm. Cô sẽ căn cứ danh sách đó để kiểm đếm lại, nếu thiếu ai sẽ biết lỗi ở đâu?
Tuy nhiên, không ít người lại ủng hộ hình thức liên lạc mới giữa nhà trường và phụ huynh thông qua ứng dụng và email:
Mình nghĩ thực ra hướng liên lạc của nhà trường này tạo ra khá tốt và hiện đại. Tuy nhiên có lẽ nhà trường cần có một đội ngũ chuyên gia vận hành phần mềm này, một phòng ban chuyên cập nhật thông tin, một quy trình truyền tin nội bộ nhanh chóng, chính xác cho bên vận hành để cập nhật lên phần mềm, khi đó thật sự là hiện đại. Việc phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên thật ra không tốt vì ảnh hưởng đến giờ giấc giáo viên đứng lớp (đang dạy hết phụ huynh này đến phụ huynh kia gọi hỏi), phát sinh nhiều việc không hay (phụ huynh xin cho, liên lạc ngoài giờ, đi đêm cho con...). Chẳng qua, do hiện nay không có quy trình nào, phần mềm nào tốt, vượt trội hẳn so với phương pháp này nên phụ huynh vẫn ủng hộ việc xin số điện thoại giáo viên mà thôi.
Hiện đại nhưng nửa vời. Bên Mỹ, mỗi trường cũng có ứng dụng riêng, ngoài việc chỉ để liên lạc với phụ huynh, nó còn có hệ thống kết nối với camera nhận dạng khuôn mặt trong mỗi khoảng thời gian 1-2 giờ và liên tục chụp ảnh của bé, gửi về phụ huynh xem sinh hoạt của con ở trường. Ngoài ra, mỗi trường còn có người chụp ảnh riêng đi chụp các ảnh tập thể của lớp đăng lên mỗi giờ. Bé nào phụ huynh ký bảo mật thông tin thì những tấm ảnh tập thể có hình bé sẽ không được đăng. Tôi là lập trình viên thiết kế, những giải pháp này rất dễ thực hiện, sinh viên các trường đại học ở Việt Nam dư sức làm.
Thực ra trường cũng có cái lý riêng khi làm vậy. Họ dùng ứng dụng để liên lạc giữa phụ huynh và học sinh nhằm bảo mật thông tin cá nhân (số điện thoại, email...) cho cả hai bên, tránh trường hợp thông tin bị lộ hay bán ra ngoài... Dùng ứng dụng di động cũng là một bước tiến lớn để bắt kịp với thời đại công nghệ. Có điều, phần mềm này hoạt động chưa hiệu quả, khó dùng hoặc đôi bên đều chưa biết sử dụng, lúc cần gửi nhận thông tin trên ứng dụng này thì lại không thực hiện được....
Mọi người có thể phản đối nhưng tôi thì lại ủng hộ sự tồn tại của nhân viên phụ trách gọi điện. Lý do: Giáo viên ở môi trường chuyên nghiệp không thể vừa giảng dạy vừa liên lạc với phụ huynh qua điện thoại. Với môi trường tiểu học trở xuống thì càng khó vì ngay cả giờ ra chơi giáo viên cũng phải chăm sóc các con và dạy toàn thời gian. Nếu có việc cần liên lạc, giáo viên chỉ có thể gọi tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ. Nếu may mắn, phụ huynh nhận điện ngay không sao, nhưng nếu phụ huynh không nhận thì khó mà gọi lại. Nếu phụ huynh gọi lại thì giáo viên cũng khó nhận điện vì đang dạy. Khi có vấn đề, giáo viên chỉ cần báo người phụ trách và có thể tiếp tục công việc của mình.
Mọi người không nên vì việc xảy ra ở Gateway mà phủ nhận tác dụng của nhân viên phụ trách gọi. Điều đáng trách ở đây là nhà trường đã không dành sự quan tâm đúng mức cho vị trí này. Khi đã sử dụng phương án nhân viên gọi điện thì phải đảm bảo hệ thống luôn vận hành vì đó là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường. Nếu nhân viên nghỉ thì phải có người thay ngay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.