Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) đưa ra tuyên bố ngày 23/3, vài giờ sau khi nhà sản xuất công bố các dữ liệu từ thử nghiệm quy mô lớn ở Mỹ, theo đó vaccine hiệu quả 79%. Các chuyên gia độc lập cho rằng các dữ liệu quá cũ và "cung cấp cái nhìn không đầy đủ về tác dụng của vacicne".
"Chúng tôi kêu gọi công ty làm việc với Ban Giám sát Dữ liệu và An toàn (DSMB) để xem xét về độ hiệu quả, đảm bảo có phân tích chính xác, có tính cập nhật và công khai nhanh nhất có thể", NIAID cho biết.
AstraZeneca chưa có bình luận gì về thông tin mới. Hôm 22/3, công ty cho biết có ý định đăng ký phê duyệt khẩn cấp vaccine với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), hy vọng sản phẩm được đưa vào sử dụng ở Mỹ trong tháng 5.
Hôm 22/3, AstraZeneca công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ. Thử nghiệm giai đoạn 3 tiến hành trên hơn 32.000 người. Kết quả cho thấy vaccine tác dụng 79% trong ngăn ngừa các ca nhiễm nCoV có triệu chứng và hiệu quả 100% trong phòng bệnh chuyển nặng, nhập viện. Ban giám sát an toàn độc lập không tìm được bằng chứng cho thấy vaccine làm tăng nguy cơ đông máu.
Thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ có kết quả chậm hơn các khu vực khác vì từng bị tạm dừng trong 7 tuần hồi mùa thu năm ngoái. Các nhà khoa học nghi ngờ vaccine gây tác dụng phụ nghiêm trọng về thần kinh ở tình nguyện viên, song giới chuyên gia đã chứng minh điều này là không đúng.
Vaccine AstraZeneca rẻ và dễ bảo quản hơn so với nhiều sản phẩm từ các hãng dược đối thủ. Song hồi đầu tháng 3, một số nước châu Âu đã đình chỉ sử dụng vaccine do các lo ngại về chứng đông máu. Đến 18/3, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố vaccine an toàn và hiệu quả, lợi ích vượt trội so với rủi ro.
Thục Linh (Theo AFP)