Trong cuộc họp ngày 22/3, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết số người nhiễm nCoV tại châu Âu, nơi biến thể B1.1.7 lưu hành, đã tăng 12%. Số ca mắc mới ở Địa Trung Hải tăng 8%, Đông Nam Á tăng 49% và Tây Thái Bình Dương tăng 29%. Dịch bệnh tại Mỹ và châu Phi đã hạ nhiệt, song con số nhìn chung vẫn đáng lo ngại.
"Các quốc gia này chịu áp lực phải mở cửa nền kinh tế. Người dân, các cá nhân và cả cộng đồng khó tuân thủ biện pháp phòng dịch. Chúng tôi cũng nhận thấy việc phân phối vaccine thiếu đồng đều và không công bằng", bà nói.
Số ca tử vong do Covid-19 trên thế giới cũng tăng trở lại sau khoảng 6 tuần giảm liên tiếp. WHO cho rằng đây là "dấu hiệu đáng lo ngại".
Bình luận của WHO đưa ra khi quan chức y tế công cộng lo ngại nới giãn cách quá nhanh trong lúc biến thể mới còn lây lan sẽ đảo ngược tiến trình chống dịch toàn cầu. Một số nước như Mỹ chứng kiến số ca nhiễm tăng nhẹ, ngay cả khi đã tiêm chủng cho hàng triệu công dân mỗi ngày.
Khoảng 82,7 triệu người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine, hơn 44,9 triệu người tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Song phân tích của Đại học Johns Hopkins cho thấy trung bình 7 ngày, số ca nhiễm mới tăng từ 5% ở 27 tiểu bang. Cả nước ghi nhận trung bình 54.308 ca mỗi ngày trong tuần ba tháng 3, tăng 1% so với tuần trước đó.
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích các nước giàu có dự trữ vaccine, tiêm phòng cho cả những người trẻ tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 thấp. Ông nói thế giới sẽ phải trả giá bằng mạng sống của những người yếu thế tại các nước thu nhập thấp.
Thục Linh (Theo SCMP, CNBC)