Ngày 7/4, Đại học Thủy Lợi đã có buổi giới thiệu ứng dụng phần mềm dự báo xâm nhập mặn tại miền Tây, tham dự có đại diện lãnh đạo ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre.
PGS.TS Nghiêm Tiến Lam, Trưởng Bộ môn Quản lý Tổng hợp vùng ven biển, Đại học Thủy Lợi cho biết, các mô phỏng trong phần mềm được tính toán, đánh giá thông qua mô hình Mike 11 HD + AD. Đây là một trong các module của phần mềm biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, giúp mô phỏng sự biến đổi lưu lượng, chất lượng nước, vận chuyển bùn cát ở cửa sông; hệ thống tưới, kênh dẫn... tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đảm bảo tính chính xác, phần mềm đã thu thập chuỗi thông tin, số liệu về mực nước, độ mặn thực đo từ năm 2016 đến năm 2020 tại gần 20 trạm khí tượng và kết hợp cùng các số liệu đo thực tế ở một số nhà máy nước Đồng Tâm (Tiền Giang) và nhà máy nước Nhị Thành (Long An) để làm cơ sở tham khảo và phân tích dữ liệu. Sau quá trình tính toán, phân tích tự động qua các bước: tải số liệu mực nước và độ mặn từ Internet, xử lý số liệu, chạy mô hình, các kết quả sẽ nhanh chóng được trích xuất trên định dạng của WebGis.
Phần mềm được đánh giá thuận tiện cho các nhà quản lý, vận hành, các cơ quan dự báo khí tượng. Người dân muốn sử dụng chỉ cần click vào đường link http://waterdata.vn/mekong/mrss hoặc tải app MRSS (Mekong MRSS) trên Google Play nền tảng Androi. Khi chạm vào một địa điểm bất kỳ tại khu vực, ngay lập tức các thông số chi tiết về độ mặn, mực nước theo thời gian sẽ được hiển thị chi tiết.
Phần mềm đã khắc phục được nhiều hạn chế của các bản tin dự báo trước đây về độ phân giải theo không gian và thời gian. Thay vì chỉ cho kết quả tại một số vị trí trọng yếu và giá trị lớn nhất theo tuần, phần mềm này có thể dự báo chi tiết về mức nước, độ mặn lên tới từng giờ tại bất cứ khu vực nào tại miền Tây trong 30 ngày.
Hiện mô hình được đưa vào ứng dụng trong việc đo đạc độ mặn, theo dõi sát diễn biến của hạn mặn, phục vụ cho công việc sản xuất tại các nhà máy nước sạch.
Tại hội thảo, đại diện ngành nông nghiệp các địa phương chia sẻ, tình trạng hạn mặn năm nay tuy không gay gắt như năm trước, tuy nhiên sắp tới sẽ còn diễn biến phức tạp. Do vậy, ngoài nguồn lực nhà nước và ý thức người dân, rất cần các giải pháp hiện đại như phần mềm dự báo để người dân chủ động tiếp cận thông tin, sớm có biện pháp thích ứng.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế của phần mềm dự báo hạn mặn. "Đây chính là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, không chỉ góp phần giúp các sở ban, ngành địa phương và người dân chủ động trong việc ứng phó với thiên tai mà còn là nguồn dữ liệu hỗ trợ rất lớn trong công tác nghiên cứu, dự báo và chống biến đổi khí hậu", ông Tuấn nói.
Phó chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận định, một số điểm phần mềm cần khắc phục như truy cập bằng điện thoại còn chậm, ngoài ra cần nâng cấp quy mô dự án này thành chương trình quốc gia chứ không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Mùa hạn mặn năm ngoái kéo dài 6 tháng khiến 6 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó.
Hoàng Nam