Trưa giữa tháng 3, ông Nguyễn Văn Hòa, 59 tuổi, chạy xe máy chở hai can nhựa đến nhà máy nước thị trấn Thạnh Phú cách nhà hơn 2 km. Dựng xe cặp đường bêtông trước nhà máy, ông mang can đến các vòi được lắp đặt sẵn, xả lấy nước.
Đầy hai can, tổng cộng 40 lít nước, ông dùng dây buộc cẩn thẩn vào xe máy rồi chở về nhà, đổ vào các lu chứa bằng nhựa loại 100 lít. "Nhà có hai vợ chồng già, nên mỗi ngày chịu khó chở hai chuyến là đủ xài", ông Hòa nói.
Mùa hạn mặn năm ngoái đến sớm và sâu, kéo dài suốt 6 tháng, ông Hòa chỉ có hai bể xi măng loại một khối nước, cùng hai lu chứa bằng nhựa loại 100 lít nên thiếu sử dụng, phải xài nước sông và nước máy bị nhiễm mặn để tắm giặt. Việc nấu ăn, nước uống ông phải mua nước bình với giá 10.000 đồng mỗi bình 10 lít.
Năm nay ông mua thêm 4 lu chứa nước bằng nhựa, giá 450.000 đồng mỗi cái. Nhờ khu vực nhà máy nước tại thị trấn được các nhà tài trợ lắp hệ thống nước lọc, cung cấp miễn phí từ mùa hạn mặn, nên ông đỡ tốn chi phí mua nước. Hàng ngày, hai vợ chồng ông nấu ăn bằng nước chở từ nhà máy. Bình thường, sau khi tắm giặt nước dưới kênh bị nhiễm mặn, ông bà xối thêm vài ca nước này cho khỏi ngứa, còn nước mưa thì để dành uống qua mùa hạn.
Từ thị trấn đến các xã trên địa bàn huyện Thạnh Phú, rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn khốc liệt năm trước, đa số người dân đã dùng bể xi măng, thùng phuy để trữ nước ngọt. Nhiều nhà còn dùng túi nhựa đặt quanh vườn cây trữ nước tưới.
Ông Lê Văn Tài, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, đợt hạn mặn năm ngoái, gần 12.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, hơn 1.000 ha ao tôm nuôi quảng canh bị ảnh hưởng chậm lớn, chết.
Từ đầu mùa khô năm nay, huyện đã tuyên truyền để người dân chủ động thích ứng. Huyện có 38.000 hộ dân, 5 nhà máy nước, trong đó 4 nhà máy do Nhà nước quản lý và một nhà máy của tư nhân với công suất từ 30 m3 đến 340 m3 một giờ. Hiện độ mặn trung bình tại các nhà máy nước trong vùng đê bao ngăn mặn từ 1,6 đến 1,8 phần nghìn, bằng phân nửa so với đợt cao điểm hạn mặn năm ngoái.
Trên địa bàn huyện có khoảng 30 máy lọc nước công suất từ 0,5 đến 10 m3 mỗi giờ. Các máy lọc này do các mạnh thường quân tài trợ thời gian qua với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. "Thực tế qua khảo sát, các hệ thống lọc RO tại xã đều đã bố trí, nhưng mỗi ngày chỉ khoảng dưới 10 hộ dân đến lấy nước, không có cảnh xếp hàng như năm ngoái do ai cũng lo trữ nước từ đầu vụ", ông Tài nói.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 24 máy RO có công suất lớn 10 m3 một giờ được đặt tại các trạm cấp nước trên địa bàn thành phố và 8 huyện. Ngoài ra, tại các xã cũng có trang bị hệ thống máy lọc RO công suất nhỏ để phục vụ miễn phí cho dân.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như năm 2020. Các đợt xâm nhập mặn khả năng tăng cao vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, sau đó giảm dần.
Hoàng Nam