Đầu tháng 3, cù lao Ngũ Hiệp, nơi trồng sầu riêng lớn nhất tại "thủ phủ sầu riêng" Tiền Giang, với 1.500 ha trên tổng diện tích 14.000 ha toàn tỉnh, sau đợt hạn mặn khốc liệt năm ngoái, cây cối đang dần phục hồi.
Buổi trưa, ông Huỳnh Hữu Lộc (62 tuổi) ra vườn sầu riêng hơn 1.000 m2, ngó nghiêng theo dõi mực nước dưới các mương. Quanh vườn, các mương nước rộng 2 m xen kẽ giữa các hàng sầu riêng mùa này nước đầy ắp, sâu hơn một mét.
"Từ đầu mùa tôi đã thuê người vét hết các mương trong vườn để trữ nước, nếu hạn mặn khắc nghiệt như năm ngoái, vẫn đủ nước cho cây cầm cự được khoảng một tháng", ông Lộc nói. Dưới gốc cây, lão nông để cỏ dại mọc quanh, phủ rơm, bao bố để giữ ẩm nhằm tiết kiệm nước.
200 gốc sầu riêng của ông Lộc có độ tuổi từ 13 đến 15 năm. Những năm trước, mỗi vụ ông thu hoạch bình quân 20 tấn trái. Nếu giá 60.000 đồng một ký, trừ 15.000 đến 20.000 đồng chi phí vật tư, công cán, mỗi ký sầu riêng ông còn lãi khoảng 40.000 đồng.
Năm ngoái, do hạn mặn đến sớm và kéo dài 6 tháng, Tiền Giang đã chi 37 tỷ đồng mua nước ngọt từ các sà lan bơm vào các ao dã chiến để hỗ trợ người dân, nhưng hơn 400 ha sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp vẫn chết. Riêng vườn sầu riêng của ông Lộc có hơn 40 gốc chết héo. Những cây còn sống, trái giảm năng suất lẫn chất lượng bị thương lái chê. Ngoài thất mùa, mất giá lại bị ảnh hưởng dịch bệnh, ông Lộc thu hoạch chỉ hơn 100 triệu đồng, lỗ tiền công, phân thuốc, nước tưới.
Từ sau đợt hạn mặn, ông Lộc phải đầu tư thêm khoảng 300 triệu đồng mua phân, thuốc để phục hồi cây, mua cây giống thay thế những cây đã chết. Đợt trong và sau Tết, sầu riêng có giá cao, từ 70.000 đồng đến hơn 100.000 đồng mỗi ký. Ông Lộc lựa hơn 80 gốc, đa số là những cây khỏe để xử lý cho trái. Tuy nhiên, do vườn nhà ông bị ảnh hưởng hạn mặn, cây yếu, xử lý ra hoa từ tháng 7, nhưng đến tháng 10 mới đạt, nên dự kiến phải đến đầu tháng 3 âm lịch mới thu hoạch.
Sát vườn nhà ông Lộc, một ha đất trồng sầu riêng của hàng xóm đã được thay thế toàn bộ bằng cây mít. Năm ngoái, vườn sầu riêng 12 năm tuổi này nằm xa nguồn nước, sau mùa hạn, cây chết toàn bộ nên chủ phải đốn bỏ. Ngoài một số diện tích chuyển đổi sang cây mít với lợi thế chỉ hai năm cho trái, nhiều nhà vườn vẫn gầy lại vườn sầu riêng với hy vọng tình hình thời tiết sẽ khá hơn.
Hiện nước trên sông Tiền có độ mặn 0,1 phần nghìn (năm ngoái thời điểm này độ mặn 7 phần nghìn). Tại xã Ngũ Hiệp, 6 giếng khoan lấy nước ngọt tưới vườn đã hoàn thành. Các giếng này chỉ được hoạt động vào mùa hạn mặn, phải có ý kiến của UBND tỉnh. Đến mùa mưa, các giếng này được đóng để bảo vệ nước ngầm.
Cách xã Ngũ Hiệp 20 km, đập thép rộng 65 m trên kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc xã Song Thuận và Bình Đức) hiện đã khép kín. Cùng với đập này, tỉnh Tiền Giang đã cho thi công xong 7 đập nhỏ khác, kinh phí 45 tỷ đồng. Các đập thép nhằm bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân và đảm bảo đủ nước ngọt cho 128.000 ha sản xuất nông nghiệp hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Về lâu dài, Tiền Giang đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng đầu tư hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành (dài 19 km) làm hồ trữ nước ngọt.
Tại Bến Tre, hồ trữ ngọt Kênh Lấp (Ba Tri) sau khi được nạo vét từ 7 tháng trước, từ đầu mùa khô hạn tiếp tục được bơm thêm hơn 100.000 m3 nước ngọt để dự trữ. Hiện độ mặn của nước từ hồ bơm vào nhà máy khoảng một phần nghìn, so với độ mặn 2 phần nghìn cùng thời điểm năm ngoái.
Hồ được đưa vào sử dụng hai năm trước, tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Hồ vốn là con kênh đào từ thời Pháp được lấp hai đầu, dài gần 5 km, rộng 40-100 m, lòng hồ sâu 2 m, có sức chứa gần một triệu m3 nước, phục vụ cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn Ba Tri. Do mặn tích tụ từ trong đất lòng hồ, nên sau khi đưa vào sử dụng, nước hồ vẫn có độ mặn hơn một phần nghìn, sau đó cạn trơ đáy vào cao điểm mùa khô năm ngoái, khiến 11.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
"Hiện 4 người gia đình tôi vẫn dùng nước bơm từ hồ để tắm giặt, cho 4 còn bò uống, còn nước nấu ăn, uống thì đã có 8 hồ bêtông loại một khối trữ nước mưa", bà Nguyễn Thị Lan (43 tuổi, xã Phước Ngãi) nói.
Trong khi đó, người dân tại các vùng bị nhiễm mặn cao như Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú mua các túi nhựa trữ ngọt từ 7 đến 30 m3, giá từ hơn một triệu đồng đến ngoài 3 triệu đồng. Các túi nhựa được dùng để trữ nước ngọt sinh hoạt, hoặc đặt ngoài vườn để dự trữ nước tưới cây khi sông rạch bị nhiễm mặn.
"Túi nhựa này rẻ hơn khi xây bể xi măng, vừa cơ động, khi không dùng có thể xếp gọn lại xài được nhiều mùa", bà Nguyễn Thị Thu Lài (Phong Nẫm, Giồng Trôm) nói. Với hai túi nhựa trữ ngọt loại 7 khối cùng hơn 10 hồ, ba Lài dự kiến đủ nước dùng trong khoảng 3 tháng mùa khô.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như năm 2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ 12-16/3, 27/3-1/4. Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 4 (9-14/4, 24-30/4), sau giảm dần.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, năm nay hạn mặn sẽ đỡ hơn mùa khô 2020. Nguyên nhân là mực nước đỉnh lũ 2020 cao hơn 2019 khoảng 2 m, trên tất cả trạm trên sông Mekong từ Lào tới miền Tây. Ngoài ra, từ tháng 9, thời tiết đã chuyển sang chế độ La Nina. La Nina là pha lạnh của chu kỳ ENSO, tức là El Nino gây khô hạn đã chấm dứt từ tháng 9/2020.
Theo ông Thiện, trước mắt, người dân vùng các nhánh sông phía bắc của sông Tiền có vườn cây ăn trái bị đe dọa nên trữ nước trong mương vườn, trữ trong túi hoặc thậm chí làm công trình tạm cỡ nhỏ. Về lâu dài phải chuyển sang mặn - ngọt theo mùa, không thể chống chọi mãi được. Đối với vùng cây ngắn ngày thì "né là thượng sách". Vùng cây ăn trái dài ngày, khi đã thiệt hại do hạn mặn, bà con không nên tái lập vườn cây lâu năm nữa, vì sẽ rủi ro rất lớn trong tương lai.
Hoàng Nam