Lễ viếng diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, quận Gò Vấp, bốn ngày sau khi đạo diễn qua đời vì viêm phổi cấp hôm 13/3. Dọc lối vào khu lễ tang, các bức ảnh Vũ Minh cười hiền, nháy mắt trước ống kính... được đặt trên giá. Đồng nghiệp chọn những khoảnh khắc vui vẻ, lạc quan - như tính cách Vũ Minh sinh thời, dựng không gian tưởng niệm đạo diễn kỳ cựu của sân khấu kịch Idecaf.
Đứng sau thành công hàng chục vở kịch nhưng nghệ sĩ khiêm tốn, hiếm khi thể hiện sự tự hào về tác phẩm. Mỗi lần dựng vở, anh hỏi han ý kiến của đồng nghiệp, kể cả những lời chê, để chỉnh sửa thiếu sót. Thành Lộc nói: "Tôi biết Minh còn nung nấu nhiều tâm huyết với nghệ thuật, tiếc vì bạn ra đi khi còn sung sức ở tuổi đời lẫn tuổi nghề. Có lẽ sắp tới, tôi chênh vênh, hụt hẫng lắm khi không còn Minh bên cạnh".
Hai nghệ sĩ gắn bó ba thập niên qua, từ lúc đạo diễn mới vào làng sân khấu. Đôi nghệ sĩ cùng làm nên loạt vở diễn "cháy" vé như Hợp đồng mãnh thú, Tía ơi má dìa, Ngôi nhà không có đàn ông, Mưu bà Tú... - đa số đều do Thành Lộc đóng chính. Ở nhiều vở Thành Lộc đạo diễn, Vũ Minh cũng góp mặt với một vai trò, chẳng hạn đạo diễn ánh sáng.
Cũng như Thành Lộc, Hữu Châu gắn bó đạo diễn xuyên suốt sự nghiệp. Vở đầu tiên và cuối cùng của Vũ Minh đều có mặt Hữu Châu. Anh quen Vũ Minh từ lúc đạo diễn mới gia nhập đội múa rối Nụ Cười, chưa biết gì về sân khấu. Thuở niên thiếu, đạo diễn lang thang ngoài công viên, sống đủ nghề từ nhặt ve chai đến bán báo để nuôi các em sau khi cha mẹ ly hôn. "Cũng nhờ tuổi thơ bụi đời uốn nắn Minh mạnh mẽ, nghị lực, dựng nhiều vở hay với vốn sống dày dạn", Hữu Châu nói.
Năm 2014, đạo diễn dựng lại tác phẩm Dạ cổ hoài lang (kịch bản: Thanh Hoàng) - vở kịch ăn khách thập niên 1990 - cho Idecaf. Thành Lộc tiếp tục đóng vai ông Tư, Hữu Châu thay nghệ sĩ Việt Anh vào vai ông Năm.
* Nghệ sĩ Hữu Châu nhớ về đạo diễn Vũ Minh
Vũ Minh cũng từng phát hiện nhiều nhân tố lạ cho sân khấu, Xuân Lan là một trong số đó. Thập niên 2000, người mẫu lấn sân đóng kịch, bắt đầu với vở Tôi là ai do Vũ Minh dàn dựng. Là tay ngang, Xuân Lan bỡ ngỡ vì không biết cách lấy cảm xúc, diễn hình thể, đài từ ra sao. Khi tập, chị thường xuyên "phá" vai vì hay bật cười và bị đồng nghiệp trách. Đạo diễn kiên trì uốn nắn từng bước để Xuân Lan học cách nhập vai. Anh dặn chị đào sâu về vốn sống để cảm được nhân vật một cách tự nhiên.
Nhiều học trò Vũ Minh nhớ thời mới vào nghề, được đạo diễn dẫn dắt. Diễn viên Quang Trung mắt đỏ hoe khi đứng cạnh linh cữu thầy - người từng dạy anh nhiều kỹ năng diễn xuất. Quang Trung nói: "Thầy lăn lộn, va vấp từ bé nên mọi kinh nghiệm diễn xuất thầy đều học được từ cuộc sống. Theo thời gian, tôi hiểu được lời thầy dạy: sân khấu là đời, mà đời cũng là sân khấu".
Suốt 30 năm, đạo diễn đào tạo nhiều lứa học trò. Không ít trong số đó sau này rời sân khấu, thành công ở lĩnh vực khác vẫn nhớ ơn anh uốn nắn. Trước khi mất, Vũ Minh còn dở dang với một khóa học diễn xuất. Anh từng hứa sau khi ra viện giúp học trò "chuốt" bài để họ kịp dự thi tốt nghiệp. Biết không kịp thực hiện lời hẹn, Vũ Minh nhờ đồng nghiệp dùng số tiền 100 triệu đồng trong khoản tiết kiệm của anh, để giúp lứa học trò cuối có cơ hội hoàn thành khóa. Xuân Lan đã nhờ Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf - giúp đạo diễn hoàn thành di nguyện.
Vũ Minh tên đầy đủ là Nguyễn Điền Vũ Minh, sinh năm 1967, quê quán Quy Nhơn - Bình Định. Lễ nhập quan và viếng vào sáng 17/3, lễ truy điệu tổ chức một ngày sau đó. Linh cữu của đạo diễn được hỏa táng ở Trung tâm hỏa táng Đa Phước, Bình Chánh vào chiều 19/3, sau đó an táng tại nghĩa trang huyện Cần Giuộc, Long An.
Mai Nhật