- Những chất liệu từ cuộc sống có ý nghĩa thế nào với anh khi bắt tay vào dựng một vở kịch?
- Từ nhỏ tôi đã hay chú ý và đặt câu hỏi. Thấy cái gì cũng cố gắng tạo một ấn tượng thật sâu, từ việc con đường mình đi qua có chi tiết gì đặc biệt đến chuyện người ta đánh lộn, chửi mắng ra sao..., tôi đều ghi trong đầu như một thói quen. Có thể lúc đó chưa thật thẩm thấu, nhưng cuộc đời dần cho mình nhìn thấy, hiểu hết những gì đã chứng kiến. Và đây chính là nguồn tư liệu cho tôi trong nghề nghiệp hiện tại. Đem cuộc sống lên sân khấu làm cho những vở kịch của tôi đời hơn. Tôi có thể tiếp cận khán giả một cách gần gũi bằng sự mô tả thay vì phải lồng những câu tuyên ngôn sáo rỗng vào miệng nhân vật của mình. Tư liệu từ cuộc sống vô cùng quý giá mà tôi nghĩ không phải ai cũng có thể sở hữu.
Dù sau này có tiếp tục làm đạo diễn hay không, tôi nghĩ chỉ cần mình có tấm lòng với nghề thì sự quan sát từ cuộc sống chung quanh không bao giờ chấm dứt. Quả thật, tôi rất sợ khi lên sân khấu mà đầu óc bị "cạn".
Đạo diễn Vũ Minh bên cạnh áp-phích vở diễn của mình. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp) |
- Có nhiều người cho rằng anh đã "vạch áo cho người xem lưng" khi đem chuyện của mình và những người xung quanh lên sân khấu. Anh nghĩ sao?
- Theo tôi, đã là sự thật nhiều người biết thì không nên che giấu. Với Tôi là ai, tôi chỉ đưa những điều xảy ra trong hậu trường của thế giới nghệ thuật để người ta hiểu hơn về nó và từ đó có những cách nhìn sẻ chia hơn. Nghe chuyện người mẫu cặp với đại gia hay những chuyện trái khoáy khác trong nghề chính mình cũng đau lòng chứ. Nhưng tôi không chọn cách giấu giếm mà đem ra cho mọi người cùng nhìn, đánh giá và hiểu hơn về suy nghĩ, tình cảm, công việc của nghệ sĩ chúng tôi.
Còn với Trái tim nhảy múa, tôi thầm cảm ơn chị Nguyễn Thị Minh Ngọc đã có một kịch bản rất hay, trùng hợp với chính tuổi thơ của ... đạo diễn. Gia đình không hạnh phúc nên tôi phải vào đời từ năm 10 tuổi, làm đủ nghề từ bán thuốc lá, bán báo, lượm ve chai... để nuôi sống mình và các em. Thiệt thòi, nhưng tôi cũng coi nó như một may mắn, ít ra quãng đời này cũng cho tôi biết trẻ bụi đời nghĩ gì, làm gì, khát khao gì để làm một vở diễn được nhiều người đón nhận. Việc gì phải giấu giếm đạo diễn Vũ Minh từng là người bán thuốc lá dạo.
Một cảnh trong vở "Trái tim nhảy múa". |
- Sáu năm gắn liền với nghề chỉ cho ra đời 7 vở diễn. Hai con số này nói lên điều gì?
- Ít nhất phải một năm, tôi nuôi đứa con tinh thần của mình đủ lớn để ra mắt công chúng. Khi đã có trong đầu đến 80% ý tưởng và sự chắc chắn thì mới quyết định đưa nó lên sàn tập. Đến nay tôi có thể tự hào nói rằng chưa có vở nào của tôi diễn dưới 50 suất. Riêng Trái tim nhảy múa đã vượt qua số lượng 100 suất. Tôi thích câu "ăn chắc mặc bền".
- Thực tế hiện nay, sau những khóa đạo diễn, diễn viên của trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh có rất ít người sống được với nghề. Để có tên tuổi Vũ Minh ngày hôm nay, anh đã phải phấn đấu thế nào?
- Tôi nhớ trong suốt 3 năm theo học khoa đạo diễn của trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, ít có đêm nào tôi không có mặt ở cánh gà của sân khấu kịch Idecaf để học lóm. Nhờ quá trình này mà tôi thấm lúc nào không hay. Sự quan sát này thẩm thấu một cách tự nhiên, khi bước vào vai trò đạo diễn thật sự, tự nhiên tôi biết rằng mình nên chọn lọc những điều gì để học hỏi và những điều gì thì sàng lọc lại.
Tôi cho rằng tài năng là yếu tố tiên quyết cho những người làm nghệ thuật, nhưng để sống được với nghề không gì bằng luôn chịu khó dùi mài, học hỏi.
- Đạo diễn Vũ Minh được coi là những người có công "khai phá" nhiều diễn viên mới trên sân khấu kịch, trước đây có Chi Bảo, Lê Khánh, Thanh Phương... bây giờ là Minh Thuận, Xuân Lan, Kim Khánh. Anh nghĩ gì khi giới thiệu họ với một nơi nhiều "cây đại thụ" như Idecaf?
- Dĩ nhiên tôi cũng như những đồng nghiệp khác, mong những diễn viên ngôi sao xuất hiện trong những vở kịch của mình. Nhưng bên cạnh đó, diễn viên trẻ cũng tạo cho tôi hứng thú riêng. Đầu tiên, đó chính là sự thử thách với chính bản thân mình, người đạo diễn phải làm cho họ vượt hay ít nhất là tận dụng hết khả năng của chính mình, vì chất lượng của vở diễn, vì uy tín của sân khấu Idecaf. Sau đó, chính sự thanh xuân và máu nghề nghiệp của các bạn cũng gây lại cho tôi một niềm hứng khởi đặc biệt. Sự đón nhận của công chúng với những diễn viên này là một động lực rất lớn cho tôi.
- Những vở kịch hiện nay có gì khác biệt so với thời "núp trong cánh gà" của anh?
- Kịch bây giờ phải theo những nhịp đập của cuộc sống hiện đại, nhanh hơn, gấp rút hơn. Cho dù là những vở cổ trang cũng phải làm theo tư duy mới. Cái khó nhất là đừng để không khí thị trường cuốn mất đi những cái ý nhị tinh tế của kịch nói. Đó là điều làm tôi suy nghĩ.
Đỗ Duy thực hiện