Tin đạo diễn Vũ Minh qua đời vì viêm phổi hôm 13/3 gây sốc với nhiều đồng nghiệp, khán giả làng kịch.
Với Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf, đàn em "yêu nghề một cách nồng nàn". Vài tháng trước khi mất, anh còn liên tục mở các khóa diễn xuất cho học trò. Đạo diễn lên kế hoạch dựng lại nhiều tác phẩm cũ của Idecaf theo hình thức nhạc kịch để diễn viên trẻ có cơ hội cọ xát. Anh cũng chuẩn bị đưa lên sàn tập vở mới của series Ngày xửa ngày xưa - thương hiệu kịch thiếu nhi ăn khách của Idecaf. "Minh mất khi đang còn quá nhiều dự án dang dở cho sân khấu chúng tôi", ông Tuấn nói.
Giám đốc Idecaf xem Vũ Minh là cánh tay đắc lực từ 25 năm trước - thuở đầu thành lập sân khấu. Trước đó, anh đã có nhiều năm thử "lửa" với nghệ thuật múa rối từ đầu thập niên 1980, vị trí đội trưởng đội múa rối Nụ Cười, cũng do Huỳnh Anh Tuấn sáng lập. Mê kịch nói, anh bắt đầu lấn sân bằng cách tìm tòi, học làm đạo diễn. Nhờ có sẵn nền tảng, đạo diễn nhập cuộc khá nhanh, tạo tiếng vang với loạt vở kinh điển của Idecaf, như Hợp đồng mãnh thú, Bông hồng cài áo, Trái tim nhảy múa, Tía ơi má dìa...
Hơn 20 tác phẩm cố đạo diễn dàn dựng đều "cháy" vé vì hiệu ứng sân khấu tốt, tính hành động cao. Chẳng hạn, Hợp đồng mãnh thú - vở Thành Lộc đóng chính, công diễn vào thập niên 2000 - làm mưa làm gió một thời với hàng trăm suất. Sau này, khi Idecaf đem vở sang Mỹ lưu diễn, tác phẩm tiếp tục gây sốt trong cộng đồng khán giả kiều bào. Ông Tuấn cho biết: "Tôi lao đao vì biết từ nay, mình khó tìm được người khác thay thế".
Sinh thời, Vũ Minh thích dàn dựng những vở giàu chất đời từ vốn sống của anh.
Từ Mỹ, hay tin Vũ Minh mất, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc lần lại ký ức, nhớ chị và đạo diễn từng làm việc chung gần chục vở của Idecaf. Câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi trong Trái tim nhảy múa (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc) là một phần tuổi thơ đạo diễn. Vũ Minh vào đời từ năm 10 tuổi sau khi cha mẹ ly dị, anh và các em về sống với ngoại. Đạo diễn từng làm đủ nghề, từ bán thuốc lá, sách báo đến lượm ve chai để nuôi mình và các em. Anh xem những thiệt thòi đó như một may mắn, bởi quãng đời đó đã cho anh biết đám trẻ bụi đời nghĩ gì. Minh Ngọc nói: "Khi dựng vở đó, Minh đặt trọn tâm tư vào tác phẩm như muốn nói về cuộc đời chính mình".
Từ con đường đi qua có những chi tiết đặc biệt nào đến chuyện người ta đánh nhau, chửi mắng ra sao, anh đều ghi nhớ như một thói quen. Vũ Minh từng quan niệm: "Có thể lúc đó chưa thật thẩm thấu, nhưng cuộc đời dần cho mình nhìn thấy, hiểu hết những gì đã chứng kiến. Tôi tiếp cận khán giả bằng sự mô tả gần gũi, thay vì phải lồng những câu tuyên ngôn sáo rỗng vào miệng nhân vật".
Năm ngoái, giữa thời điểm dịch bùng phát ở TP HCM, anh vẫn liên lạc với Minh Ngọc, động viên nhà văn viết thêm đầu kịch dù lúc này chị đang dồn sức cho cuốn tiểu thuyết mới.
Họ bàn nhau chọn cách viết bám sát thời cuộc hơn, phản ánh tâm tư con người giữa đại dịch trong vở Khổ qua ngọt đắng. Đạo diễn chọn cái tên này để gợi hy vọng cho khán giả, cũng như món canh khổ qua, sau vị đắng là cảm giác ngọt hậu. Kịch bản đã hoàn thành, chuẩn bị tập dượt thì anh đột ngột nhập viện. Tác phẩm cuối của đôi nghệ sĩ trở thành kỷ niệm dang dở.
Minh Ngọc cho biết đạo diễn yêu kịch nói với một trái tim ngây thơ. Mỗi dịp bạn bè của Minh Ngọc từ nước ngoài về, chị hay nhờ anh giới thiệu các vở mới cho họ xem. Anh thường say sưa kể các tác phẩm đang được chú ý, không chỉ của Idecaf, vì muốn quảng bá kịch như một đặc sản văn hóa ở Sài Gòn.
Tâm huyết với sân khấu, Vũ Minh cũng là bệ đỡ cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trưởng thành từ kịch nói, như Chi Bảo, Lê Khánh, Thanh Phương... Nhiều người trong số đó dù rời sàn diễn, thành công ở lĩnh vực khác, vẫn ghi nhớ nụ cười hồn hậu của Vũ Minh. Diễn viên Thanh Bình nói 20 năm qua, anh vẫn khắc ghi những ngày đầu làm việc với cố đạo diễn ở Idecaf - cái nôi trui rèn anh từ lúc mới ra trường. "Ở nơi nào đó, em mong anh hãy nhẹ nhàng, thanh thản anh nhé", Thanh Bình viết.
Vũ Minh tên đầy đủ là Nguyễn Điền Vũ Minh, sinh năm 1967, quê quán Quy Nhơn - Bình Định. Linh cữu Vũ Minh được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, quận Gò Vấp. Lễ nhập quan và viếng vào sáng 17/3, lễ truy điệu tổ chức một ngày sau đó. Linh cữu của đạo diễn được hỏa táng ở Trung tâm hỏa táng Đa Phước, Bình Chánh vào chiều 19/3, sau đó an táng tại nghĩa trang huyện Cần Giuộc, Long An.
Mai Nhật