Trong những năm gần đây, một số phụ huynh đã phàn nàn về những khoản đóng góp ở trường học được giáo viên phổ biến và ban đại diện hội phụ huynh thu giúp. Không chỉ thu tiền vào đầu năm học mà cuối năm cũng xảy ra tình trạng này.
Chị Hà, một phụ huynh trong bài viết Phụ huynh bấm bụng trước nhiều khoản thu cuối năm học khi nhìn danh mục đóng góp để tri ân, lễ lạt dịp cuối năm học đã khẽ nhíu mày khi thấy phải đóng "100.000 đồng để mua camera".
Độc giả Minh Giang có cháu đang học lớp 9 chia sẻ không hiểu từ khi nào trách nhiệm của phụ huynh phải đóng góp tiền mua các thiết bị cho trường học:
"Cuối năm đi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp của cháu tôi cũng bảo mỗi học sinh đóng góp 100 nghìn đồng để mua điều hòa tặng nhà trường. Tôi không hiểu bắt đầu từ khi nào, phụ huynh phải đóng góp tiền mua thiết bị trường học? Phụ huynh phải góp tiền mua máy chiếu, mua tủ đựng đồ dùng dạy học cho giáo viên, thậm chí đến tiền sửa cái ổ điện cũng kêu phụ huynh đóng góp".
Độc giả có nickname hadet04 cũng cho biết về việc phải đóng góp một số khoản chi phí cho con học lớp 2:
"Tuần rồi tôi đi họp phụ huynh cho con học lớp 2 phải đóng một số khoản kha khá: nào là tiền điện, tiền nước, tiền photo, tiền liên hoan và cả tiền phát thưởng cho con mình nữa (tôi thấy cái này thật bi hài vì hồi tôi đi học không biết nhà trường lấy đâu ra kinh phí để phát thưởng cho tôi, mặc dù tôi học ở trường thuộc tỉnh nghèo). Sau đó đại diện hội phụ huynh còn bàn về việc thu luôn cho năm sau (còn nói là phải thu trước vì đầu năm theo quy định là cấm thu)".
Chia sẻ về việc đóng góp tiền cho các hoạt động liên quan đến liên hoan cuối năm của con, độc giả nguyễn giang nói:
"Cháu nhà tôi học hết mẫu giáo, năm học tới lên lớp 1. Ngày tổng kết cuối năm tôi được thông báo đóng 200 nghìn đồng để liên hoan. Tới khi liên hoan, mỗi cháu được một chai sữa trái cây, 2-3 cây xiên que (cá viên, bò viên) và mấy miếng trái cây nhỏ. Nếu tính đúng giá trị chỉ vào 30-40 nghìn đồng, số còn lại không biết đi về đâu".
Độc giả Tieuho nhấn mạnh rằng trường học phải tự trang bị đầy đủ và đảm bảo chất lượng giảng dạy, tuy nhiên đồng ý với việc đóng góp hỗ trợ theo tâm nguyện của từng phụ huynh, nhưng không đồng ý với việc áp đặt số tiền đóng góp:
"Trường lớp mở ra phải trang bị đầy đủ đảm bảo chất lượng giảng dạy. Khi tuyển sinh, học sinh cũng phải đóng tiền học phí, giáo viên cũng có lương từ ngân sách, cớ sao cứ bắt phải đóng góp xây dựng trường đủ thứ?
Đồng ý đóng góp hỗ trợ tùy tâm nhưng sao áp đặt số tiền đóng góp? Năm nào tuyển sinh vào cũng đóng mua mới? Có lâu dài thì để năm học cuối cấp lại lý do hỏng hóc phải mua mới tiếp? Trường mở ra muốn đạt chuẩn mà cứ thế hệ nào vào cũng cần đóng góp đều mua mới liên tục?
Chưa kể các khoản linh tinh khác như tri ân thầy cô ngày lễ, ngày họp cuối kỳ cũng quà, hoa, phong bì...".
Nhiều phụ huynh đã bày tỏ quan điểm không tán thành với việc phải đóng góp tiền cho các khoản chi phí không rõ ràng, cho rằng việc này không được đưa ra một cách minh bạch và không có sự thỏa thuận từ phụ huynh mà thường bị "ép" từ ban đại diện hội phụ huynh học sinh.
Độc giả Minh LQ: "Không nên tổ chức ban đại diện phụ huynh nữa, vì họ mới là người ép các phụ huynh khác đóng theo ý họ chứ không có tự nguyện, và "sáng kiến" thêm các khoản đóng khác.
Mục đích ban đầu của ban đại diện phụ huynh là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh trong việc giáo dục học sinh, nhưng giờ biến tướng nhiều hơn, áp đặt ý kiến thiểu số cho đa số phụ huynh khác".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.