Trong bài viết Người nghèo sợ đi họp phụ huynh nói về thế khó của phụ huynh không có điều kiện khi đi họp lớp cho con, độc giả có nickname mtriaudit cho rằng vì ngân sách của trường công là có hạn, trong khi đời sống ngày một phát triển, nhiều phụ huynh muốn con mình học tập trong môi trường tốt hơn nên mới có việc "kêu gọi đóng góp". Chính vì thế, độc giả này cho rằng cần có quy định của cơ quan quản lý để hợp thức hóa việc này:
"Đất nước đang phát triển, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung và trong hoạt động giáo dục nói riêng cũng tăng theo mức tăng trưởng GDP cả nước và bình quân đầu người; nhất là TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Trong khi mô hình học tập thay đổi theo hướng nào là trường tiên tiến, chuẩn quốc gia, nào là học bán trú, ngoại khóa... nhưng cơ sở vật chất dành cho giáo dục công lập vẫn không thay đổi so với 20-30 năm trước đây, với mức tối thiểu chỉ đảm bảo quạt máy, bảng đen, phấn trắng.
Vậy thì để đáp ứng được nhu cầu và mô hình giáo dục mới phải có nguồn lực. Mà cơ quan quản lý lại chưa cụ thể hóa bằng các quy định để người dân đóng góp thông qua mức học phí tương ứng với nhu cầu cơ sở vật chất khác nhau, mà chỉ có một mức chung tối thiểu.
Điều này dẫn đến người dân nếu muốn nâng cao chất lượng cơ sở vật chất để con em có điều kiện học tập tốt phải huy động thông qua hội phụ huynh học sinh, dẫn đến tình trạng trường và phụ huynh đều sai.
Biết rằng có người không có nhu cầu nâng cao chất lượng do điều kiện khó khăn, nhưng cũng có nhiều người có khả năng muốn môi trường học tập cho con em được nâng lên.
Do đó theo tôi, cơ quan quản lý cần có cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho người có nhu cầu. Chứ như hiện nay thì không thể thay đổi được chất lượng cơ sở vật chất dành cho giáo dục công lập, nên kể cả thu nhập bình quân có tăng lên nhiều thì môi trường vẫn không thay đổi."
*Quan điểm của bạn thế nào?
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi ý kiến tại đây.